Hôm nay, Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực

Các bộ vẫn... khởi động!

Một trong những công việc quan trọng để thi hành luật là thành lập các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng (PCTN). Thế nhưng, dù được Chính phủ giao việc rất cụ thể từ đầu năm nhưng đến nay, phần lớn các bộ vẫn đang... khởi động phòng, chống tham nhũng.
Các bộ vẫn... khởi động!

Một trong những công việc quan trọng để thi hành luật là thành lập các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng (PCTN). Thế nhưng, dù được Chính phủ giao việc rất cụ thể từ đầu năm nhưng đến nay, phần lớn các bộ vẫn đang... khởi động phòng, chống tham nhũng.

Các bộ vẫn... khởi động! ảnh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh

Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, Luật PCTN quy định phải lập ra Ban chỉ đạo Trung ương PCTN do Thủ tướng đứng đầu, một Phó Thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính trị chuyên đặc trách chỉ đạo PCNT. Đồng thời, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ lập ra cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, chiều 31-5, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an cho biết Bộ vẫn chưa “chốt” phương án thành lập Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng. Hiện các ý kiến mới chỉ đều thống nhất: đơn vị này phải gọn với những cán bộ “tinh”.

Sau thời gian dài lấy ý kiến, Ban chỉ đạo thành lập cơ quan chuyên trách của Bộ Công an vẫn còn phân vân trước hai luồng ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị thành lập Cục PCTN trực thuộc Bộ trưởng để trực tiếp, linh hoạt và “có uy, quyền hơn”.

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị thành lập Cục ở Tổng cục Cảnh sát trên cơ sở chuyển một số cán bộ, phòng và chuyển một số nhiệm vụ ở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C15) hiện nay. Phương án 2 cũng có 2 phương án: Công an mỗi tỉnh, thành phố thành lập một phòng chuyên đấu tranh loại tội phạm này; thứ hai, chỉ lập phòng chuyên trách ở 3 khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

Tương tự, sau thời gian cân nhắc nên lập cục hay vụ, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng ra quyết định thành lập Cục chống tham nhũng.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, Cục sẽ có nhiệm vụ thu thập thông tin “nóng” từ nhân dân, báo chí dư luận xã hội và đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng để đề xuất Tổng thanh tra lập các đoàn đi thanh tra, làm rõ. Cục giúp Tổng thanh tra kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện quy định về PCTN.

Tuy nhiên, “đó mới chỉ là dự thảo, để hiện thực hóa, cần phải được Chính phủ phê duyệt và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55”, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Thanh tra Chính phủ Nguyễn Khắc Hường nói.

Tương tự, hành trình ra đời Cục PCTN của Bộ Công an còn gian nan hơn khi Chính phủ còn phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh điều tra hình sự, sau đó mới có thể thành lập cục này. Nhưng, việc lập Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng còn gian nan hơn nhiều.

Bên cạnh việc lấy ý kiến, tranh luận gay gắt về thẩm quyền (Trưởng Ban có quyền đình chỉ Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố hay được quyền đình chỉ cấp cao hơn...), Ban cũng cần phải được Bộ Chính trị, Quốc hội họp bàn, trao cho một số quyền của cơ quan này.

Cuối năm 2005, Thủ tướng đã yêu cầu trong tháng 5-2006, các Bộ như Nội vụ, Thanh tra Chính phủ; Bộ Công an phải trình ít nhất 7 dự thảo quan trọng như Nghị định kê khai tài sản, trách nhiệm người đứng đầu khi cơ quan xảy ra tham nhũng tiêu cực... để Chính phủ xem xét, ban hành. Nhưng hôm nay, 1-6, Luật PCTN đã có hiệu lực còn các văn bản hướng dẫn trên vẫn còn ở nơi... xa lắm.

Xem ra, phòng, chống tham nhũng vẫn nặng về hô hào. Các bộ, ngành vẫn nặng phần... khởi động! Trong khi, tham nhũng lại không chờ ai.

* Tham nhũng, lừa đảo gây thiệt hại 229,8 tỷ đồng

Tin từ Tổng cục Cảnh sát ngày 31-5 cho hay, trong 5 tháng đầu năm nay, những thiệt hại kinh tế do tội phạm tham nhũng gây ra tăng cao so với cùng kỳ.

Trong 86 vụ án kinh tế xâm phạm sở hữu, gây thiệt hại 229,8 tỷ đồng thì 21 vụ tham ô gây thiệt hại 16,2 tỷ đồng; tội phạm lạm dụng tín nhiệm gây thiệt hại 8,1 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại 5,9 tỷ đồng; lừa đảo thiệt hại 62,6 tỷ đồng. Đặc biệt 17 vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế đã gây ra khoản thiệt hại lên tới 127,8 tỷ đồng.

KIẾN QUỐC
 

Tin cùng chuyên mục