Các show truyền hình ở Mỹ: Đình đám và tan biến

American Idol quyết định sẽ dừng phát sóng sau mùa thứ 15 lên sóng vào tháng 1-2016. Late show with David Lettermen cũng chấm dứt “đế chế” sau hơn 20 năm lên sóng. Không nằm ngoài quy luật, nhiều show truyền hình ở Mỹ đang phải đối diện với nhiều rủi ro và thách thức.
Các show truyền hình ở Mỹ: Đình đám và tan biến

American Idol quyết định sẽ dừng phát sóng sau mùa thứ 15 lên sóng vào tháng 1-2016. Late show with David Lettermen cũng chấm dứt “đế chế” sau hơn 20 năm lên sóng. Không nằm ngoài quy luật, nhiều show truyền hình ở Mỹ đang phải đối diện với nhiều rủi ro và thách thức.

American Idol (Thần tượng âm nhạc Mỹ) lên sóng số đầu tiên ngày 11-6-2002 và ngay lập tức gây bão trên toàn cầu khi trở thành một hiện tượng trong lịch sử truyền hình. Vào mùa thứ 5-2006, chương trình xác lập kỷ lục với trung bình 31,1 triệu lượt xem mỗi tuần. Có một so sánh khá thú vị, ở một số thời điểm khán giả bình chọn cho American Idol còn nhiều hơn họ bỏ phiếu cho tổng thống. Nhưng càng về sau, con số này càng giảm và đến năm 2015, nó đã ở mức chạm đáy, khiến các nhà sản xuất quyết định “khai tử” phiên bản này.

Thành công của American Idol là đã tạo ra một lớp nghệ sĩ vô cùng tài năng: Kelly Clarkson, Carrie Underwood, Jordin Sparks, Jennifer Hudson, Adam Lambert... Những người từng chiến thắng American Idol cũng giành tổng số 13 giải Grammy cùng hàng trăm giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ khác. Nhiều người cho rằng sự ra đi của ông trùm Simon Cowell để gia nhập The X Factor là một trong những lý do khởi nguồn khiến chương trình sa sút. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là tỷ suất người xem. Thống kê mới nhất cho hay, tỷ lệ này chỉ đạt mức 3,1%, chạm đáy so với con số 4,7% của mùa giải trước đó. Nếu so sánh với con số 38,1 triệu người xem năm 2003 khi Ruben Studdard lật đổ Clay Aiken hay thực tế cách đây 4 năm khi Scotty McCreery chiến thắng mùa thứ 10 cũng có đến 29,9 triệu lượt khán giả theo dõi mới thấy sự xuống dốc trầm trọng đó.

Bộ ba giám khảo: Jennifer Lopez, Keith Urban và Harry Connick Jr. cùng chủ trì Ryan Seacrest sẽ đồng hành trong mùa cuối American Idol. Ảnh: FOX.

Thực tế cho thấy, những ca sĩ chiến thắng American Idol những năm gần đây nhất như Caleb Johnson hay Candice Glover cũng đều thất bại trên các bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng. Một số người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng việc American Idol dừng lại là hoàn toàn đúng đắn để kênh truyền hình FOX có thể chuẩn bị cho những phiên bản mới ưu tú hơn. Và khi có đủ thời gian và tiềm lực, họ hoàn toàn có quyền quay trở lại với American Idol 2.0 mà rất có thể những Clarkson, Lambert hay Sparks sẽ ngồi vào vị trí ghế nóng.

Khi American Idol “khai tử”, mọi sự chú ý được đổ dồn đến The Voice. Dù chưa bao giờ bước lên thời hoàng kim như người anh em trước đó nhưng không ít người tỏ ra lo ngại cho tương lai của cuộc thi ca hát đang nổi đình nổi đám này. Mùa thứ 8 của chương trình vừa kết thúc và mùa thứ 9 sắp được khởi động tại các nơi, như: New York, Los Angeles, Detroit và Oklahoma trong tháng 6 trong khi kế hoạch của mùa thứ 10 cũng sẵn sàng. Các nhà sản xuất chương trình này cũng học được một bài học xương máu từ American Idol trong việc nắm bắt cơ hội thành công. Một số chuyên gia cho rằng sai lầm của American Idol là thời gian nghỉ giữa các mùa của họ quá dài khiến một bộ phận không nhỏ khán giả quyết định chuyển hướng sang các chương trình khác. Đó cũng có thể là một phần trong lý do mà các nhà sản xuất của The Voice quyết định lên sóng 2 mùa trong mỗi năm và cuộc truy lùng thí sinh tiềm năng diễn ra trên toàn nước Mỹ.

Cũng liên quan đến chuyện “khai tử” thì trường hợp của Late show with David Letterman lại có lý do hoàn toàn khác khi chủ trì của chương trình này quyết định nghỉ hưu sau 33 năm tại vị trên sóng truyền hình. Trong lần lên sóng cuối cùng, ông gọi đó là “chương trình quan trọng nhất trong cuộc đời mình”. Vẫn giữ phong cách chọc cười khán giả nhưng có những lúc David đầy cảm xúc: “Các bạn nghĩ gì khi phải chuẩn bị tâm lý cho việc chấm dứt một công việc? Với những người đã theo dõi chương trình này, tôi sẽ không biết làm gì để trả nợ họ”. Sự kết thúc này sẽ được thay thế bằng một chủ trò mới nhưng để xác lập một thương hiệu như David đã từng làm là một điều dường như là không tưởng. Đó chắc chắn là một thiệt hại không hề nhỏ đối với nhà sản xuất.

Thực tế cho thấy, việc ra đời và rồi mất đi của các show truyền hình cả ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới không còn xa lạ. Truth or Consequences một thời đình đám ở Mỹ và có tuổi thọ đến 48 năm (1940-1988) cũng đến lúc phải dừng lại. Star Search ra đời từ năm 1983, kéo dài 12 năm và sau đó được làm lại phiên bản 2.0 năm 2003 nhưng cũng không thể tiếp tục. American Bandstand ra đời năm 1952 nhưng đến năm 1989 cũng chấm dứt. Trường hợp của Total Request Live cũng kéo dài được 10 năm (1998-2008). Thậm chí với một chương trình có tuổi thọ từ năm 1992 đến nay của kênh MTV - The Real World cũng gặp không ít khó khăn để tồn tại.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục