
Họ là những người từng là thủ khoa trong các kỳ thi, tuy có những dự định khác nhau cho tương lai nhưng các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X này có điểm chung là tinh thần đam mê học hỏi cho một mục đích: học vì Việt Nam.
PHAN THANH HẢI YẾN
(SV năm thứ 2, ĐH Y Dược TPHCM)
Muốn góp sức phát triển ngành phẫu thuật thẩm mỹ
Đôi mắt to tròn với ánh nhìn ngây thơ là ấn tượng dễ thương đầu tiên về Phan Thanh Hải Yến- thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học 2005 của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM với số điểm 30/30.
Cô bé từng 12 năm liền là HS giỏi này còn đỗ vào ĐH Y Dược TPHCM với 27,5 điểm trong kỳ thi ĐH 2005. Yêu thích môn Anh văn, Hải Yến từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Anh văn cấp TPHCM khi còn là học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du.
Vào cấp III, Yến lại rẽ sang hướng khác, chọn thi vào ban A của Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Yến bắt đầu dồn hết tâm sức cho 3 môn toán, lý, hóa và dành nhiều thời gian cho môn sinh. Yến tìm đọc rất nhiều tài liệu và dần dà tính ứng dụng của những kiến thức lý thú ấy thật sự cuốn hút cô. Yến quyết định chọn học ngành Bác sĩ đa khoa (ĐH Y Dược TPHCM) dù là thủ khoa của Trường ĐHKHTN.
Trải qua gần 2 năm học tập tại trường, Yến luôn giữ vững thành tích học tập, luôn là một trong những SV xuất sắc được nhận học bổng của trường. Với mong muốn đóng góp sức mình vào sự phát triển tương lai của ngành phẫu thuật thẩm mỹ VN, Yến cho biết cô đang cố gắng hoàn thành 6 năm học tại Trường ĐH Y Dược với kết quả tốt nhất và sẽ tiếp tục theo học chuyên ngành bác sĩ thẩm mỹ tại Mỹ.
VÕ HOÀNG THIÊN PHÚ
(Đang học năm thứ 2 Master tại SUPAERO,Pháp, theo học bổng Euras Mudus)
Góp phần khẳng định vị trí của công nghiệp hàng không Việt Nam
Sau 5 năm học tại ĐH Bách khoa TPHCM, Võ Hoàng Thiên Phú tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Hàng không của chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp (PFIEV) khóa 2000 và nhận được học bổng Master ngay sau đó.
“Năm 2007 là năm học Master cuối cùng của tôi. Đầu năm 2007, tôi sẽ bắt đầu thực tập tốt nghiệp tại Onera - trung tâm nghiên cứu hàng không-vũ trụ lớn nhất nước Pháp. Nơi đây có những thiết bị trong lĩnh vực hàng không thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới. Và xa hơn, tôi sẽ xin học bổng tiến sĩ (PhD) tại Onera. Sau khi đạt được PhD, tôi sẽ tiếp tục làm việc, nghiên cứu trong vài năm để có được những kinh nghiệm thực tiễn. Theo nhận định của các chuyên gia, trong 10 năm tới, ngành hàng không sẽ phát triển rất mạnh ở khu vực châu Á. Nếu nhìn ra các nước trong khu vực thì nền công nghiệp hàng không của nước ta còn quá non trẻ. Vì thế tôi hy vọng trong tương lai, tôi và các bạn trẻ khác sẽ đóng góp tất cả những kiến thức, khả năng của mình để phát triển và khẳng định vị trí của công nghiệp hàng không VN trong khu vực và trên trường quốc tế”, Phú thổ lộ.
NGUYỄN VIỆT LINH CHÂU (SV năm thứ 1, khoa Kinh doanh quốc tế, ĐH Kinh tế TPHCM)
Mơ trở thành nữ doanh nhân
Là thủ khoa của Trường ĐHKHXH-NV TPHCM năm 2006 nhưng Linh Châu lại có quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên khi chọn theo học ĐH Kinh tế TPHCM. Bước chuyển tiếp từ môi trường THPT sang môi trường ĐH cũng làm cho cô bé 18 tuổi này gặp nhiều bỡ ngỡ.
“Cách học ở ĐH khác nhiều so với ở THPT, đòi hỏi SV chúng em phải cố gắng nhiều. Vào ĐH, chúng em bắt đầu một nỗ lực mới, một quyết tâm mới trên một đường đua mới. Những kiến thức mà chúng em cần phải học là vô tận”, Linh Châu cho biết. Với quan niệm làm gì cũng phải chú tâm hết mình, hiện Linh Châu đang rèn luyện thêm tiếng Anh, tiếng Hoa để chuẩn bị theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Quốc gia Singapore vào tháng 7-2007. “Sau khi học xong, em sẽ trở về VN làm việc. Mong ước của em là trở thành một nữ doanh nhân giỏi, góp phần vào công cuộc phát triển của TP chúng ta”, Châu chia sẻ.

LÝ DIỆU SANG
(Đang học Master ngành Thị giác máy tính và Robot tại Pháp)
Quyết tâm trở thành giảng viên giỏi
Xuân 2007 là mùa xuân đầu tiên chàng SV người Việt, gốc Hoa, từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Điều khiển tự động của Trường ĐH Bách khoa TPHCM năm 2006, xa nhà để bắt đầu 3 năm học Master ngành Thị giác máy tính và robot (Computer Vision and Robotics) tại Heriot-Watt University, Pháp.
Vừa đặt chân đến Pháp vào giữa tháng 9, Sang đã nhanh chóng vạch ra một kế hoạch dài hạn khi quyết tâm tiếp tục tìm kiếm học bổng để theo học tiến sĩ (PhD). Trưởng thành từ môi trường đào tạo của ĐH Bách khoa TPHCM, Sang quyết định theo học ngành Thị giác máy tính và Robot vì một lý do đơn giản: mong muốn đóng góp sức mình vào sự phát triển của ngành công nghiệp robocon ở VN.
“Tháng 10-2006, Robocon VN mới tròn 5 tuổi nhưng ở đấu trường quốc tế chúng ta không hề thua kém các nước bạn khi SV VN 3 lần đoạt chức vô địch cuộc thi sáng tạo robocon Châu Á- Thái Bình Dương. Niềm vui chiến thắng của đội BKPro năm nay tăng gấp đôi bởi đây là lần thứ ba SV trường mình đoạt chức vô địch, lập hattrick (2002, 2004, 2006) mang thương hiệu ĐH Bách khoa TPHCM. Mình hy vọng những kiến thức mình được học tại Heriot-Watt University và những chuyến đi thực tế tại các trung tâm sản xuất robot tại châu Âu sẽ giúp ích mình trở thành một giảng viên giỏi trong tương lai. Trong tương lai, mình hoàn toàn tin tưởng SV VN sẽ làm ra những sản phẩm robot mang nhãn hiệu VN trên thị trường thế giới. Sau khi học xong PhD, mình sẽ trở về VN làm công tác giảng dạy và nghiên cứu”.
NGỌC TRÂM