Cách nào vực dậy ngành dịch vụ ăn uống ở TPHCM?

Sau hơn 3 tháng giãn cách, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) tại TPHCM đã kiệt quệ. Cần có những chiến lược cụ thể để vực dậy ngành này khi thành phố mở cửa trở lại. 

Theo Sở Công thương TPHCM, hình thức kinh doanh thức ăn mang về và tại chỗ của thành phố đã buộc tạm ngừng để phòng chống dịch suốt hơn 2 tháng qua và kéo doanh thu của ngành này giảm mạnh. Thống kê của Sở Công thương TPHCM cho thấy, doanh thu dịch vụ ăn uống 8 tháng qua chỉ đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ. Chưa hết, do kinh doanh sụt giảm nên hàng loạt doanh nghiệp ngành hàng F&B phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh.

Dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp F&B tại TPHCM gặp nhiều khó khăn
Từ sau ngày 15-9, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được thành phố cho phép hoạt động trở lại theo hình thức bán mang về, đặc biệt tại 3 quận, huyện vùng xanh của thành phố còn có biện pháp nới lỏng hơn, song tới nay doanh nghiệp hoạt động trở lại chưa nhiều. 


Bà Nguyễn Thị Yến, chủ hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh 365, cho biết, sau 2 tháng đóng cửa hệ thống cửa hàng nay cũng chỉ dám mở thăm dò vì nhu cầu rất chậm do người dân còn bị hạn chế đi lại. Ngoài ra, các chi phí nguyên vật liệu nhất là thực phẩm đều tăng giá khoảng 20% so với trước nên giá bán cũng phải tăng trong khi đại bộ phận người dân đều thắt chặt chi tiêu. “Việc mở bán hàng thời điểm này sẽ rất khó khăn vì chi phí mặt bằng, nhân công cũng đảm bảo 3 tại chỗ. Vì thế chúng tôi chưa biết phải hoạt động ra sao cho phù hợp”, bà Yến nói. 

Theo các chuyên gia, để ngành F&B phục hồi và tăng trưởng sau dịch, các doanh nghiệp F&B cần hoạch định chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp như: lựa chọn địa điểm kỹ càng, không tập trung nhiều cửa hàng tại một khu vực trung tâm mà nên xây dựng mạng lưới dàn trải trên diện rộng để tối đa hóa sự tiếp cận đến càng nhiều khách hàng càng tốt, vừa bao phủ cho mạng lưới vận chuyển và bán hàng mang đi cũng như đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. 

Cũng theo giới phân tích, sân chơi kinh doanh F&B trực tuyến dự kiến sẽ có sự bùng nổ hơn trong giai đoạn tới. Và các hộ kinh doanh ăn uống vừa và nhỏ, các tiểu thương khởi nghiệp ngành F&B hoàn toàn có thể tham gia bằng cách xây dựng nền tảng trên các sàn thương mại tập trung lớn nhằm tận dụng lượng khách sẵn có khổng lồ của các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của YoGov, xu hướng thanh toán trả trước bằng ví điện tử hoặc thẻ, không dùng tiền mặt cũng được phổ biến với tốc độ chóng mặt với 51% người tiêu dùng ở Việt Nam đã chuyển từ thanh toán tiền mặt khi nhận hàng sang thanh toán trả trước kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Vì vậy, các hộ kinh doanh ăn uống cần tìm hiểu và đầu tư sớm vào các kênh, ví điện tử hoặc thẻ để tối đa hóa sự thuận tiện thanh toán cho khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy thoải mái hơn trong hoạt động mua sắm ăn uống mỗi ngày; dần dà trở thành thói quen và là lượng khách hàng trung thành vững chắc của hãng.

Tin cùng chuyên mục