Cải cách vẫn còn lắm gian nan

Ngày 28-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018. Dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2018 là Quảng Ninh với 70,36 điểm (thang điểm 100) - đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh này đứng ở vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Tiếp đến là Đồng Tháp (70,19 điểm), Long An (68,09 điểm), Bến Tre (67,67 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 địa phương đứng đầu gồm: Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TPHCM.

Các xu hướng nổi bật đáng mừng ở năm 2018 vừa qua là: chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước.

Tuy nhiên, kết quả điều tra PCI 2018 cũng chỉ ra không ít khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Dù có những cải cách ấn tượng trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp nhưng gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” đang là vấn đề lớn. Cụ thể, năm 2018 có 15,8% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) để có thể chính thức đi vào hoạt động. Đáng quan ngại là con số trên có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, có đến 34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện; 30% doanh nghiệp phải chờ đợi để được nhận giấy chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy…

Kết quả điều tra cũng cho thấy, các thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng (60%), tìm kiếm nguồn vốn (37%) và những biến động thị trường (32%). Tiếp đến là khó khăn trong tuyển dụng lao động (28%), tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh (27%) và biến động chính sách, pháp luật (23%).

Mặc dù niềm tin của doanh nghiệp ở mức cao, nhưng con số 8,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa lại là điểm đáng lưu ý trong điều tra PCI 2018. Dù chỉ tăng nhẹ so với mức 8,2% của năm 2017 nhưng nếu xem xét theo chuỗi thời gian thì con số này cao thứ 3, kể từ năm đầu tiên tiến hành điều tra PCI. 

Với PCI-FDI, mặc dù có những chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh, kiểm tra, nhưng các doanh nghiệp FDI cho biết, họ vẫn gặp khó khăn trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Việc thông quan hàng nhập khẩu trung bình vẫn mất 2 ngày, trong khi thời gian thông quan hàng xuất khẩu tăng từ 1 lên 2 ngày trong năm 2018. Khi được hỏi về lĩnh vực mà thủ tục hành chính cụ thể gây phiền hà, các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục hải quan vẫn là mối bận tâm lớn. Số doanh nghiệp đánh giá lĩnh vực hải quan gây phiền hà chiếm tỷ trọng cao nhất (28%), tiếp đến là bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%).

Xét một cách tổng thể, “các ngôi sao cải cách”, “nhà vô địch” vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng. Điều này cho thấy, một mặt, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, mặt khác cũng cho thấy những khâu, việc cải cách dễ dàng thì các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và hiện là thời điểm đụng đến những khâu, việc khó khăn, nan giải. Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp, thực hiện định hướng các bộ, ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở đang là yêu cầu cấp thiết.

Tin cùng chuyên mục