Cấm nhập khẩu gia cầm, chim cảnh vào Việt Nam đến hết 31-3-2006

Cấm nhập khẩu gia cầm, chim cảnh vào Việt Nam đến hết 31-3-2006

Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 4843/TCHQ-GSQL yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu tất cả các loại gia cầm, chim cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam từ nay cho đến hết ngày 31-3-2006.

Tăng cường phối hợp với cơ quan thú y tại các cửa khẩu xử lý triệt để gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm được xử lý không đúng quy định; phối hợp cùng bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu gia cầm, gia súc và các sản phẩm cùng loại. Chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả đối với công chức làm việc trực tiếp tại cửa khẩu.

Cấm nhập khẩu gia cầm, chim cảnh vào Việt Nam đến hết 31-3-2006 ảnh 1

Gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc bị giữ tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 23-11, Ngân hàng NN-PTNT có văn bản chính thức chỉ đạo các chi nhánh trong cả nước thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hộ chăn nuôi gia cầm. Theo đó, căn cứ hợp đồng tín dụng (HĐTD) còn dư nợ đến ngày 30-11-2005 và lãi suất ghi trên HĐTD, khi thu lãi, chi nhánh phải giảm cho người vay 0,15%/tháng.

Người vay có khoản vay bị quá hạn, được áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn bằng không (0) và khi trả nợ cũng được giảm 0,15%/tháng so với lãi suất ghi trên HĐTD. Thời điểm tính và thu lãi theo mức lãi suất được giảm từ 1-12-2005. Thời gian được giảm lãi 0,15%/tháng tối đa là 6 tháng kể từ 1-12-2005.

Riêng các khoản vay đã trả hết nợ gốc, lãi trước 1-12-2005 không được miễn giảm, thoái thu lãi. Diện được giảm lãi suất gồm các khoản cho vay mua con giống, thức ăn, các chi phí nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Chiều cùng ngày, liên Bộ Tài chính, NN-PTNT đã trình Thủ tướng những chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân và tổ chức chăn nuôi gia cầm khắc phục khó khăn do dịch cúm H5N1 gây ra. Theo đề xuất trên, việc hỗ trợ trực tiếp sẽ được thực hiện 1 lần với mức 5.000 đồng/con bất kể là gia cầm thương phẩm hay gia cầm sinh sản đối với hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 500 con trở lên đến thời điểm xuất chuồng mà không tiêu thụ được.

Trường hợp các hộ, cơ sở chăn nuôi này đã được hỗ trợ tiêu thụ theo quy định trên, nếu chưa tiêu thụ hết số gia cầm đã được hỗ trợ, trường hợp phát sinh dịch phải thực hiện tiêu hủy thì được hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ tiêu hủy và mức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với mức 10.000 đồng/con.

Đồng thời đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện khoanh nợ trong thời gian 1 năm đối với số dư nợ vay đến thời điểm 30-11-2005 nếu các hộ không có khả năng trả nợ. Xem xét cho các hộ này tiếp tục được vay vốn để chuyển đổi chăn nuôi hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Theo Bộ Tài chính, Nhà nước còn bảo đảm dùng tiền ngân sách để hỗ trợ 100% tiền thức ăn nuôi dưỡng đàn gia cầm gốc giống, gốc quý hiếm do không tiêu thụ được sản phẩm trong thời gian 4 tháng, dự tính từ 1-12-2005 đến 31-3-2006.

Bộ Y tế xác nhận thêm một trường hợp nhiễm H5N1

Tại cuộc họp giao ban về tình hình dịch cúm gia cầm chiều 23-11, GS. Hoàng Thủy Long, Phó Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống SARS và cúm gia cầm cho biết: đã có thêm một trường hợp nhiễm H5N1.

Bệnh nhân là Vũ Văn Hòa (nam, 15 tuổi trú tại thôn Tân Quang, xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đã tiếp xúc với gia cầm và phát bệnh ngày 14-11 với biểu hiện sốt nhẹ 38 độ C, ho nhưng không có biểu hiện khó thở.

Bệnh nhân được khám tại trạm y tế xã, sau đó chuyển tới Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) ngày 16-11 và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 17-11, và hiện hồi phục tốt. Đến ngày 23-11, sau khi thực hiện xét nghiệm lại mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Hòa đã cho kết quả âm tính với virus H5N1.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục