Tái quy hoạch và xây dựng các cụm tuyến dân cư ở ĐBSCL

Cần 3.000 tỷ đồng!

Cần 3.000 tỷ đồng!

Trong số báo ngày 7-10, báo SGGP đã có bài phản ánh tình trạng trống vắng cụm tuyến dân cư (CTDC) ở khu vực ĐBSCL. Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về nguyên nhân chính gây ra tình trạng này và cách khắc phục.

- PV:
Thưa ông, hiện nay đã có 41.300 nhà ở thuộc CTDC được hoàn thành, tuy nhiên số dân đăng ký vào CTDC chỉ khoảng 40%. Phải chăng, chất lượng nhà ở thuộc CTDC không phù hợp với người dân?

- Ông LÊ HUY NGỌ: Đúng là có hiện tượng đó, khi chúng ta làm cũng chưa tính hết được tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây nên sau khi hoàn thành, nhiều hộ dân không muốn đến CTDC mà tiếp tục sống ở những nơi nguy hiểm. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải thiết kế, bổ sung quy hoạch, xây dựng lại CTDC ở khu vực ĐBSCL.

- Nghĩa là còn hơn 100.000 ngôi nhà nữa đã có trong kế hoạch xây dựng phải thiết kế lại?

Cần 3.000 tỷ đồng! ảnh 1

- Không hoàn toàn như thế, nhưng điều quan trọng là trong thời gian tới, làm CTDC phải nghiên cứu thật kỹ tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân Nam bộ thì mới thuyết phục họ đến ở được. Qua tìm hiểu, tôi thấy người dân ở đây sống gắn bó và cởi mở với thiên nhiên. Vậy không có lý gì chúng ta cứ làm những nhà ở trong khu CTDC không hợp với sinh hoạt của dân.

Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng theo mô hình tuyến là chính, cụm phụ cho tuyến, trên cơ sở sống an toàn, ổn định và phát triển. Chúng tôi không xây dựng chỉ có cụm mà dựa vào tuyến ngay trong khu dân cư đang sống. Mô hình có thể là: 3 – 5 ấp xây dựng 1 tuyến, 3 – 5 tuyến thì có 1 cụm làm trung tâm chính trị quản lý, nơi tập trung các dịch vụ y tế, văn hóa, chợ...

- Nhưng ở khu vực ĐBSCL là phần trũng, chúng ta không thể xây dựng toàn bộ các cụm, tuyến trải rộng trên toàn khu vực?

- Tôi đã khảo sát kỹ khu vực này và có thể sẽ xây dựng CTDC theo mô hình đào đất của kênh làm đường, làm nền nhà từ đất bồi ruộng; sau đó sẽ xây dựng khu nhà ở của dân theo kiểu trước mặt là kênh, sau nhà là ruộng.

- Ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An... dân không đến ở các CTDC vì không tìm được việc làm?

- Chúng ta phải xây dựng CTDC tại những nơi mà điều kiện sản xuất gần ngay nhà ở. Chúng ta phải đào hệ thống kênh, hoàn thiện mặt đào, làm đường nhỏ cho dân đi lại và chủ động đưa nước vào ra hợp lý. Thậm chí ở một số nơi có điều kiện đặc thù, có thể sẽ hỗ trợ dân kinh phí, giám sát họ xây dựng cho phù hợp với chính điều kiện sản xuất của họ, chứ không xây nhà theo kiểu áp đặt rồi đưa dân đến sống.

- Thưa ông, nếu xây như thế chúng ta sẽ tính tới mùa vụ sản xuất như thế nào cho hợp lý?

- Hiện nay, chúng ta sản xuất chưa quy củ lắm, nhiều khi còn sản xuất mang tính tự phát. Tới đây, khi quy hoạch lại một số CTDC, phải tính tới việc làm theo công thức 3 năm 8 vụ, bỏ 1 vụ để lấy phù sa bồi đắp, cải tạo đồng ruộng; nghĩa là theo phương châm phòng chống, khai thác và lợi dụng lũ để có cuộc sống ổn định, an toàn và phát triển bền vững.

- Việc xử lý môi trường cũng là vấn đề bức xúc đặt ra cho CTDC?

- Trước đây chúng ta xây CTDC chỉ tính đến phương án đối phó và lánh nạn nên xây dựng nhiều khu vực tập trung và chưa lường hết những phát sinh của ô nhiễm môi trường. Nay việc quy hoạch lại phải tính tới kế hoạch lâu dài, ổn định và phát triển trên cơ sở không để dân sống tập trung để giảm sức ép môi trường. Cần phải xây dựng mô hình cho dân sống gắn bó với thiên nhiên nên vấn đề nước thải, rác thải cũng có tái sử dụng để phục vụ sản xuất.

- Còn hệ thống điện nước sẽ được thiết kế như thế nào cho phù hợp với điều kiện của người dân?

- Điện thì không lo, hoàn toàn có thể đưa đến cho dân được. Đối với nước, chúng tôi đang tính tới việc thiết kế giếng khoan để lấy nước sinh hoạt và xây dựng cho mỗi nhà một chum hoặc bể đựng nước mưa sạch để ăn; thậm chí, có thể làm bể lọc nước lũ lắng đọng để tắm giặt và sinh hoạt.

- Hiện nay, các địa phương ở ĐBSCL đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng để bổ sung xây dựng CTDC, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có kế hoạch bổ sung vốn như thế nào cho việc xây dựng các CTDC?

- Chúng tôi đã trình Chính phủ cấp 3.000 tỷ đồng để bổ sung vốn làm CTDC từ năm 2006 đến năm 2010. Số vốn này đã cơ bản được Chính phủ đồng ý. Điều quan trọng bây giờ là làm sao tổ chức làm cho tốt.

- Xin cảm ơn ông!  

VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục