Kết quả tìm nguyên nhân nước đục của các chuyên gia Pháp

Cặn, áp lực yếu, nhiều mangan

Tối 20-10, hai chuyên gia ngành nước của Pháp đã báo cáo với UBND TPHCM kết quả nghiên cứu nguyên nhân gây nước sinh hoạt bị đục tại TPHCM trong thời gian vừa qua.

Sau khi xem xét các mẫu nước cũng như làm việc với Sawaco, các nhóm nghiên cứu về nguyên nhân nước đục của Viện Hạt nhân Đà Lạt, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, các chuyên gia Pháp cho rằng: Nước sinh hoạt tại TPHCM bị đục là do quá trình tích lũy cặn bám lâu đời trong đường ống cấp nước (sự ăn mòn của sắt) từ trước khi Nhà máy nước Tân Hiệp phát nước, nhất là tại những vùng nước yếu, áp lực nước không đầy đủ thì tính ăn mòn càng tăng; tính chất nước trong nhà máy cũng có tính ăn mòn…

Khi Nhà máy nước Tân Hiệp phát nước thì áp lực nước lớn nên gây bong tróc trong mạng lưới cấp nước; hàm lượng Mn trong nước sông Sài Gòn cao...

Qua đó, các chuyên gia đã đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng này. Trước mắt, Sawaco cần tăng độ pH trong mạng cấp nước nhằm đảm bảo tính ổn định của nước; cố gắng ổn định áp lực nước trong mạng; đồng thời, tăng vận tốc nước lên (vì nếu vận tốc nước yếu sẽ tạo điều kiện cho cặn tích tụ, vi khuẩn phát sinh trong đường ống); giảm độ đục trong nước.

Các chuyên gia cũng lưu ý, việc xử lý giảm hàm lượng Mn trong nước là đúng nhưng không được làm tăng các yếu tố khác. Tốt nhất là xử lý Mn từ nước nguồn.

Về lâu dài, TPHCM nên cải tạo đường ống cũ, mục; giảm hàm lượng Mn trong nước; tăng vận tốc nước; giảm thời gian tích trữ nước trong mạng; kiểm soát thủy lực trong mạng, không nên để thủy lực tăng đột biến.

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia Pháp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo Sawaco tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia và các nhóm nghiên cứu khác để có giải pháp khắc phục tình trạng nước đục tại TPHCM một cách phù hợp.

P.V.A.

Tin cùng chuyên mục