Cần bảo vệ người tham gia giao thông

Những tưởng tai nạn giao thông thảm khốc tại tỉnh Long An ngày 2-1-2019 làm chết 4 người, 17 người khác bị thương do tài xế uống rượu bia và sử dụng ma túy sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những bác tài, thế nhưng mọi việc lại khác đi, xấu đi khi ngày 21-1, một tài xế khác cũng sử dụng ma túy đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Hải Dương làm chết 8 người và nhiều người khác bị thương. 

Trước đó, các cơ quan chức năng trên cả nước đã mở nhiều cuộc kiểm tra việc sử dụng ma túy của các tài xế xe tải, xe khách, xe container, để xử lý nghiêm theo quy định. Bộ Giao thông Vận tải còn kiến nghị biện pháp cấm lái xe vĩnh viễn đối với các tài xế sử dụng ma túy… Nhưng, xem ra còn nhiều lái xe vẫn vô tư, xem thường những biện pháp vừa nêu.

Sau các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, đã có những bài báo kêu gọi sự đồng cảm với những tài xế gây ra tai nạn (như gia cảnh khó khăn, đạo đức tốt, chưa từng gây tai nạn…), nhưng nếu như chúng ta thử đặt mình vào vị trí gia đình người gặp nạn thì liệu có thể tha thứ, liệu có đồng cảm được trước những sự mất mát quá lớn lao? Những tài xế đều hiểu và biết trước tác hại của việc sử dụng rượu, bia, ma túy khi đang điều khiển phương tiện, nên thật khó có thể chấp nhận những lý do biện minh như mất thắng, buồn ngủ, đạp nhầm chân ga, lạc tay lái... 

Vấn đề đặt ra là công tác kiểm tra việc sử dụng ma túy ở các địa phương hiện ra sao? Không thể có việc nơi này làm nhưng nơi khác lại không, hay chỉ làm mang tính qua loa, chiếu lệ. Và cứ như thế thì người dân vẫn luôn nơm nớp lo lắng, không biết tai nạn giao thông sẽ bất ngờ xảy đến với mình vào lúc nào. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong ngăn chặn, xử lý tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia, ma túy mà vẫn lái xe, nhằm bảo vệ người tham gia giao thông.

Tin cùng chuyên mục