Quyết tâm giảm TNGT trong thời gian tới

Cần các biện pháp xử phạt mạnh hơn

Cần các biện pháp xử phạt mạnh hơn

“Tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông” – đó là kiến nghị chung của nhiều địa phương tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong 6 tháng đầu năm 2005, do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, được tổ chức hôm qua 21-7 ở Hà Nội.

  • Tai nạn giao thông: Giảm, nhưng vẫn còn nghiêm trọng

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2005, tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra 7.654 vụ, làm chết 5.913 người, bị thương 6.557 người (trong số này, có 54 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã làm 213 người chết, 129 người bị thương). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2004 thì đã giảm được về cả “3 mặt”: số vụ giảm 1.816 (bằng 19,2%), giảm 414 người chết (6,5%), giảm 2.158 người bị thương (giảm 24,8%).

Cần các biện pháp xử phạt mạnh hơn ảnh 1

Từ khi có dải phân cách, tai nạn giao thông ở cửa ngõ phía Tây TPHCM giảm hẳn. 

Tuy vậy, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá: Dù TNGT đã giảm, nhưng kết quả này là chưa vững chắc, đáng lưu ý là đã liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng như vụ đổ tàu E1, tai nạn ô tô ở Kon Tum, Gia Lai, Lai Châu… làm chết và bị thương nhiều người.

Trong khi đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng quá nhanh: chỉ trong 6 tháng đầu năm 2005, toàn quốc đã đăng ký mới 50.867 ô tô, trên 1,1 triệu xe máy, đưa tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đã đăng ký của cả nước lên đến trên 15,3 triệu xe. “Như vậy, mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đã không đạt được kết quả như mong muốn” – tướng Tiệm nói.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: mặc dù giảm cả “3 mặt”, nhưng TNGT vẫn còn nghiêm trọng. “Con số gần 6.000 người chết vì TNGT trong 6 tháng buộc chúng ta phải suy nghĩ; giảm nhưng không được lơ là, chủ quan. Hơn nữa, vẫn có 13/64 tỉnh, thành phố có TNGT tăng. Nghĩa là nếu làm mạnh, TNGT vẫn có thể giảm hơn nữa” – Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

  • Cần các biện pháp xử phạt mạnh hơn

Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, tuy số vụ TNGT trong 6 tháng đầu năm 2005 giảm so với cùng kỳ năm 2004, nhưng ở quý I và II năm 2005, TNGT đều cao hơn quý III năm 2004. “Vì vậy, nếu không kiên quyết, quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT trong quý III năm 2005 thì TNGT 9 tháng của năm 2005 so với cùng kỳ năm 2004 có thể sẽ không giảm” – tướng Tiệm dự báo.

Từ kinh nghiệm của địa phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương Phạm Văn Loan cho biết: “Nơi nào có biện pháp xử lý mạnh, nơi đó TNGT giảm”. Chính vì thế, điều khiến nhiều địa phương bức xúc là các mức xử phạt trong Nghị định 15/NĐ-CP hiện còn quá nhẹ, chưa có tác dụng thực sự răn đe.

Trước nhìn nhận đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Tiến kiến nghị cho địa phương của mình thực hiện các biện pháp mạnh hơn: “Với những trường hợp vi phạm bị tạm giữ phương tiện và bấm lỗ GPLX, buộc người vi phạm phải học lại luật lệ ATGT. Khi nào đạt mới trả lại phương tiện và GPLX”.

Còn ở thủ đô Hà Nội, Giám đốc Sở GTCC Phạm Quốc Trường cho biết sẽ trình kỳ họp sắp tới của HĐND thành phố (tổ chức vào đầu tháng 8 này) thông qua phương án nâng mức xử phạt vi phạm trật tự đô thị và ATGT cao hơn các mức quy định ở Nghị định 15.

Cần các biện pháp xử phạt mạnh hơn ảnh 2

Cảnh sát giao thông xử phạt người không đội nón bảo hiểm. 

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua kiến nghị thẳng thắn: Trong khi chưa kịp sửa đổi Nghị định 15, cho phép TPHCM áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện 10 ngày đối với người đi xe máy trên đoạn đường quy định phải đội nón bảo hiểm nhưng không đội. Đồng thời, nâng mức phạt bằng tiền đối với những trường hợp này lên gấp 8 – 10 lần so với hiện nay.

“Ít nhất, mức phạt cũng phải có giá trị bằng giá trị của nón bảo hiểm thì mới có tác dụng răn đe” – ông Đua nói. Bên cạnh đó, theo lời ông Đua, TPHCM đang thảo luận về thời điểm áp dụng quy định “đã đi xe máy là phải đội nón bảo hiểm”, “nhiều ý kiến cho rằng phải đến năm 2007 mới áp dụng quy định này, nhưng mong muốn của UBNDTP là áp dụng sớm hơn- khoảng vào giữa năm 2006”.

  • Biện pháp mạnh, nhưng phải vì lợi ích nhân dân

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh hơn liệu có phù hợp, và một số lực lượng bảo đảm trật tự ATGT có lợi dụng điều đó để tiêu cực? Thiếu tướng Phạm Văn Đức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thừa nhận: môi trường làm việc của CSGT hiện nay là “độc hại”: độc hại về sức khỏe, và độc hại hơn là dễ tiêu cực.

“Dư luận cho rằng, ở một số nơi, CSGT như một… cái chùa để cánh lái xe đến cúng” – ông Đức thẳng thắn nói. Trên thực tế, Bộ Công an đã liên tục ra các quy định, và áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra, cả công khai, cả bí mật để xử lý CSGT tiêu cực. “Chúng tôi đã phải sử dụng nhiều phương tiện hiện đại như camera, máy ảnh chụp từ xa ghi lại chứng cứ, và thực tế đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp có tiêu cực” – ông Đức nói.

Điều đáng ngạc nhiên là thiếu tướng Phạm Văn Đức lại cho rằng cần phải thận trọng khi áp dụng các biện pháp tạm giữ phương tiện và xử phạt mạnh hơn. “Hiện nay có nhiều địa phương tùy tiện “xé rào”, áp dụng sai pháp luật. Điều đó là không nên” – ông Đức bức xúc và phân tích: làm nghiêm hơn, kiên quyết hơn, nhưng nếu không hợp lý sẽ gây ra tâm lý bức xúc cho người dân.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các địa phương phát huy tinh thần chủ động, tùy theo tình hình thực tế để đề ra những biện pháp mạnh hơn trong bảo đảm trật tự ATGT. “HĐND địa phương có quyền thông qua các quy định về vấn đề này, miễn sao không làm trái luật.

Vấn đề là đừng “đặt ra lệ” để tiêu cực, khiến dân bức xúc. Dám sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích của dân là điều các địa phương cần làm” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đó cũng là cơ sở để sửa đổi luật pháp, vì luật pháp phải xuất phát từ đời sống, phải được điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu đích thực của cuộc sống. 

BẢO MINH

“Bắn tốc độ” phải thực hiện công khai

Liên quan đến vấn đề “bắn tốc độ” của lực lượng CSGT, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, cần phải làm kiên quyết, nhưng không được gây phản cảm cho dân. Phó Thủ tướng yêu cầu “bắn tốc độ” phải được làm công khai, không được núp, rình ở những điểm người dân không biết để “bắn”. Đồng thời, các địa phương cũng cần xác định chỉ áp dụng “bắn tốc độ” ở những đoạn đường cần thiết phải giảm tốc độ để đề phòng TNGT.

Thiếu tướng Phạm Văn Đức cho biết, trước tình hình đã xuất hiện một số thiết bị phá sóng, gây nhiễu máy “bắn tốc độ” của lực lượng CSGT, Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Công an cấm nhập khẩu loại biết bị này.

Tin cùng chuyên mục