
Tại sao cần cảnh giác?

Đầu cổ là vùng có nhiều cơ quan quan trọng, là ngã tư của đường ăn và đường thở, là cửa ngõ đi vào cơ thể nên phải hứng chịu nhiều loại bệnh, từ những bệnh viêm nhiễm cho đến các khối u lành tính hay ác tính.
Ung thư vùng đầu cổ ở giai đoạn sớm thường chỉ có những biểu hiện thông thường, không có gì nổi bật như: nuốt đau, nghẹt mũi, đau hoặc ù tai, khàn giọng kéo dài; nặng hơn thì bệnh nhân có thể thấy một hay nhiều hạch cổ bị sưng... Vì thế, bệnh nhân dễ bỏ qua các triệu chứng này, cho đến khi khối u xuất hiện, gây nhiều tác hại nặng nề như: khó nuốt, khó thở, bệnh lan rộng ra các cơ quan lân cận hay theo máu di căn đi rất xa như phổi, xương, sọ não,... làm bệnh nhân tử vong.
Một số triệu chứng báo động
Các triệu chứng báo động thường không nặng nhưng cần cảnh giác khi chúng xảy ra ở người trưởng thành hay cao tuổi, có tính chất một bên (ở giai đoạn đầu của bệnh), không đáp ứng với các điều trị chống viêm nhiễm thông thường, tồn tại dai dẳng ở một vị trí nhất định và hay tái phát.
Những triệu chứng báo động thường gặp là: 1-Khàn giọng kéo dài. 2-Nuốt khó, đau. 3-Một vết loét không lành ở bờ lưỡi hay sàn miệng. 4-Đau họng một bên, lan lên tai. 5-Nghẹt mũi /chảy máu mũi một bên mà không có triệu chứng viêm nhiễm. 6-Hạch cổ một bên (hạch cổ một bên, cứng, dính vào lớp cơ cổ hay dính vào da, không đau khi chưa loét, có thể là dấu hiệu bệnh ung thư trong vùng…).
Cảnh giác nhưng không hốt hoảng
Đây là lời khuyên đầu tiên của các bác sĩ chuyên khoa dành cho bệnh nhân cũng như thân nhân người bị ung thư vùng đầu cổ. Cảnh giác để phát hiện ung thư sớm, điều trị hiệu quả, ít tổn hại cho cơ thể đồng thời giảm thiểu tốn kém. Khi bạn hoặc người thân được thông báo về tình trạng bệnh, cần bình tĩnh chấp nhận thực tế và hợp tác cùng các bác sĩ để việc điều trị đạt hiệu quả. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân ung thư đã rất hài lòng với chất lượng cuộc sống của mình sau điều trị ung thư.
Ngược lại, hốt hoảng thường dẫn đến né tránh điều trị, khiến tình trạng bệnh thêm nặng, chất lượng cuộc sống không được cải thiện, bệnh nhân cũng sẽ khổ sở vì các triệu chứng do ung thư tiến xa gây ra. Sau cùng, đừng ngần ngại khi có bất kì sự nghi ngờ nào để được khám chuyên khoa Tai Mũi Họng và Ung Bướu. Tốt nhất là bệnh nhân nên đi khám ở một bệnh viện có đủ các phương tiện tiên tiến; đặc biệt là có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên và liên tục giữa hai chuyên khoa này để đảm bảo hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV