Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo của ngành tư pháp

Cần có nghị quyết chuyên đề về hoạt động tư pháp

Cần có nghị quyết chuyên đề về hoạt động tư pháp

Hôm qua (31-10), Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo hoạt động của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao. Nhiều ý kiến các đại biểu đều cho rằng, để giải quyết dứt điểm từng vấn đề thì Quốc hội cần có một nghị quyết chuyên đề về hoạt động tư pháp và mỗi năm nên chọn một vài vấn đề bức xúc để giải quyết triệt để.

  • Khiếu kiện kéo dài - vì sao?
Cần có nghị quyết chuyên đề về hoạt động tư pháp ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông Lương Phan Cừ phát biểu ý kiến. ảnh: Tùng Lâm - TTXVN

Sau khi nêu một loạt vấn đề bức xúc tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) tập trung sâu vào tình hình giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân. Ông đề nghị: “Làm sao để người khiếu nại, tố cáo tâm phục khẩu phục những việc làm và quyết định của tòa án, viện kiểm sát... là yêu cầu rất quan trọng”. Nhưng làm thế nào để có “tâm phục, khẩu phục”?

Theo đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương), một trong những điều mà cử tri không thỏa lòng là việc trả lời đơn khiếu nại của Viện KSND tối cao, TAND tối cao thường không đúng thẩm quyền. “Phần lớn các vụ khiếu nại, người dân mong nhận được câu trả lời quyết định của ông chánh án hoặc ông viện trưởng, nhưng thường chỉ có kiểm sát viên, thư ký tòa án... trả lời”, đại biểu Trần Thế Vượng nói.

Trước ý kiến cho rằng “người dân đi khiếu kiện kéo dài, vượt cấp là do nhận thức về pháp luật còn yếu kém”, đại biểu Phạm Thế Duyệt (Hải Dương) bày tỏ: “Đừng tưởng dân không hiểu luật. Thưa các đại biểu Quốc hội, ngay cả cán bộ của chúng ta cũng không hiểu luật”. Theo đại biểu Phạm Thế Duyệt, sự yếu kém ở một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ tư pháp, đã khiến chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân không cao, dẫn đến người dân phải khiếu kiện kéo dài.

  • Quốc hội cần có nghị quyết về hoạt động tư pháp

Theo đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM), các báo cáo năm nào cũng nêu ra các vấn đề nổi cộm nhưng không phân tích rõ nguyên nhân như xu hướng tội phạm, khiếu kiện kéo dài... nên không có những biện pháp ngăn chặn, loại trừ có hiệu quả. “Tôi đề nghị Quốc hội nên có một nghị quyết chuyên đề về hoạt động của ngành tư pháp và mỗi năm, chúng ta nên dành thời gian thảo luận, tập trung giải quyết một vấn đề nhằm quyết triệt để, đẩy lùi những bức xúc này trong xã hội và cũng để những buổi thảo luận có hiệu quả hơn”, đại biểu Nguyễn Đình Lộc hiến kế.

Đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, vừa qua, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến những người nước ngoài sống ở Việt Nam để tìm hiểu xem họ nghĩ gì về khuôn khổ pháp lý, hoạt động tư pháp của Việt Nam. Kết quả cho thấy phần lớn những nhận xét chưa tin tưởng nhiều ở các cơ quan tư pháp của Việt Nam.

Từ đó, đại biểu này kiến nghị, ngành tư pháp Việt Nam nên có báo cáo so sánh về tình hình thực hiện của mình với các nước trong khu vực để có thể biết rõ hiệu quả hoạt động đến đâu cũng giống như chúng ta đã có những so sánh về khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng trong chiều qua, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Hôm nay, 1-11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.

VĂN PHÚC-NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục