
Báo cáo của Thủ tướng Phan Văn Khải tại kỳ họp Quốc hội lần này đã nhắc tới một tình trạng rất đáng quan tâm là ngay tại các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng cũng xảy ra không ít vi phạm… Những vi phạm này dù ở mức độ nào cũng đều mang tính chất nghiêm trọng, làm mất lòng tin của nhân dân.
Chiều qua, 19-10, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, giới báo chí đã có dịp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu về vấn đề này.
- PV: Thưa Bộ trưởng, quan điểm của Bộ trưởng thế nào đối với những trường hợp ở cơ quan thực thi pháp luật, nhưng lại vi phạm pháp luật?
- Bộ trưởng UÔNG CHU LƯU: Khi đã phát hiện được rồi, cần kiên quyết xử lý, không thể bao che dung túng. Có như thế mới lấy lại được lòng tin của dân.

Bộ trưởng Uông Chu Lưu.
- Có ý kiến cho rằng, việc trao quyền lực lớn cho các cơ quan thực thi pháp luật, nhưng sự giám sát của bộ máy, của nhân dân còn hạn chế nên đã xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực đó để tư lợi, tham nhũng, coi thường pháp luật?
- Cơ quan công an được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, có thẩm quyền đã được ghi rõ trong các quy định của nhà nước như Bộ luật Tố tụng hình sự, các quy định liên ngành… Nhưng cũng có những quy định để bảo đảm giám sát, kiểm tra khi họ thực hành công vụ của mình.
Ngay trong lực lượng công an cũng có cơ quan thanh tra riêng, rồi hệ thống kiểm sát của Viện kiểm sát các cấp. Trong các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND, Luật Giám sát…, các cơ quan dân cử cũng có quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc giám sát này cũng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.
- Vậy phải làm gì để việc giám sát này thực sự hiệu quả, thưa Bộ trưởng?
- Báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã kiến nghị Quốc hội sớm có các chủ trương, biện pháp cụ thể tăng cường công tác giám sát của các cơ quan dân cử, của công chúng và báo chí đối với hoạt động tư pháp, nhằm phát hiện và xử lý tham nhũng trong khu vực này.
Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ chấn chỉnh công tác điều tra, thanh tra, thi hành án, bảo vệ sự thật và công lý, xử lý nghiêm những người bao che, dung dưỡng tội phạm, gây oan trái cho dân. Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan kiểm sát, tòa án cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, dưới sự giám sát của Quốc hội và nhân dân.
- Ngoài việc giám sát từ bên ngoài còn yếu, bản thân việc kiểm tra, giám sát nội bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa tốt. Ví dụ như vụ việc liên quan đến ngành dầu khí ở Thanh tra Chính phủ mới đây?
- Ở các ngành khác thì tôi không rõ lắm, nhưng với ngành tư pháp, chúng tôi đã đặt ra nhiều quy định, quy chế về kiểm tra, giám sát cán bộ về công chứng, hộ tịch… Nhiều đoàn thanh tra của Bộ đã được thành lập để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật của cán bộ tư pháp ở địa phương.
Chúng tôi còn có nhiều cơ chế khác như đường dây nóng để nắm bắt thông tin từ cơ sở, từ người dân về các tiêu cực của cán bộ trong ngành tư pháp. Chính từ công tác giám sát nội bộ này, trong năm 2005, đối với khối thi hành án, chúng tôi đã xử lý 25 cán bộ có vi phạm pháp luật.
- Thưa Bộ trưởng, trong số đó có bao nhiêu phần trăm do ngành tự phát hiện, bao nhiêu do người dân phát hiện và tố cáo?
- Tôi không có con số cụ thể, nhưng phần lớn là do ngành tự phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát. Còn lại là từ phản ánh của dân.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
HÀM YÊN ghi