Cân nhắc kỹ “được”, “mất” với đặc khu kinh tế

Trên thế giới có nhiều nước xây dựng thành công đặc khu kinh tế, song cũng có không ít nước thất bại. Với “lợi thế” của người đi sau, Việt Nam cần học hỏi không chỉ những thành công mà còn phải học hỏi thật kỹ từ những thất bại.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra ở Hà Nội, nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu Quốc hội về việc xây dựng đặc khu kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được trình bày. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng về việc xây dựng đặc khu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, chúng tôi chỉ nêu một vấn đề liên quan mật thiết đến việc hình thành đặc khu, đó là các nguồn lực có thể thu hút vào đầu tư xây dựng đất nước như chúng ta kỳ vọng khi nói về việc xây dựng đặc khu kinh tế.

Chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng vàng và ngoại tệ mà người dân đang giữ, nhưng cách nay một năm, cũng trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã nói đến con số 500 tấn vàng và khoảng 10 tỷ USD mà người dân đang cất và đề nghị ngành chức năng có giải pháp kêu gọi người dân đưa vào sản xuất, kinh doanh. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2017 Việt Nam nhận khoảng 13,81 tỷ USD và nằm trong “top” 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Riêng tại TPHCM, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2017 nhận 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016. 

Lượng kiều hối về Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cơ bản “năm sau cao hơn năm trước”. “Đưa” được số vốn khổng lồ này vào sản xuất kinh doanh không những giúp đất nước bớt “trông chờ” vào những khoản đầu tư từ nước ngoài mà thực tế thời gian qua đã chứng minh, phần đóng góp cho Việt Nam không nhiều, mà còn làm cho từng người dân gắn bó, có trách nhiệm hơn với đất nước. Tất nhiên, làm được việc này không dễ, nhưng nếu cân nhắc giữa việc quá chú trọng và quá ưu đãi (như đề xuất trong dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) cho nhà đầu tư nước ngoài với việc dành ưu đãi ấy cho nhà đầu tư trong nước, thì dành cho nhà đầu tư trong nước (và các liên doanh với nước ngoài của họ) vẫn là giải pháp khôn ngoan, an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Một so sánh cụ thể: ở cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), là cụm cảng cửa ngõ quốc tế của cả khu vực Nam bộ, nếu được ưu đãi và được đầu tư (mồi) khủng như (kế hoạch) đầu tư vào cảng biển ở Bắc Vân Phong thì không những giúp hàng hóa Việt Nam giảm được chi phí logistics nhờ giao thông thông suốt (vì từ Cái Mép - Thị Vải, hàng hóa Việt Nam có thể đi thẳng châu Âu và Mỹ) mà còn giúp TPHCM giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở khu vực phía Đông thành phố. Chưa hết, hầu hết nông sản Nam bộ đều xuất khẩu qua khu cảng ở TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, như vậy, tạo điều kiện cho cụm cảng ở đây phát triển, cũng là giúp cho người nông dân Nam bộ tiêu thụ hàng hóa tốt hơn để qua đó có cuộc sống no ấm hơn. Bắc Vân Phong có lợi thế về luồng tàu, nơi neo trú tàu… nhưng sản xuất cũng như giao thương hàng hóa của Việt Nam ở khu vực này không nhiều. Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, sức lan tỏa của khu cảng Bắc Vân Phong với sản xuất trong nước vì thế, không lớn. 

Bên cạnh nguồn vốn khổng lồ, chúng ta còn có hàng chục ngàn học sinh đang du học ở nhiều nước có trình độ giáo dục cao như Mỹ, Anh, Úc, Nhật… Năm học 2016-2017 số lượng du học sinh Việt Nam ở Mỹ là 22.438 người và đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên theo học ở Mỹ. Còn ở các nước khác, thống kê chung ở Nhật có 38.000 học sinh, sinh viên; Úc có 31.000 và Anh là 11.000… Đó là chưa kể những du học sinh đã tốt nghiệp ra trường và đang làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Nguồn chất xám lớn đó, tại sao không thể được ưu tiên thu hút về làm việc cho đất nước? Các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc (dự kiến) được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tại sao không thể áp dụng điều đó cho các nhà đầu tư trong nước với những người chủ là người Việt Nam đang làm ăn kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước? Thực tế, có nhiều ngành, nhiều địa phương còn tìm cách tăng phí, tăng giá nhiên liệu, thậm chí đề nghị tăng thuế, thêm thuế. Tại sao không khoan sức dân, sức doanh nghiệp nội? Chưa biết các đặc khu sẽ giúp thu hút đầu tư như thế nào, nhưng sự lớn mạnh của doanh nghiệp nội chắc chắn sẽ là động lực có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của đất nước.  

Việc hình thành 3 đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước. Nó có thể là đôi cánh nâng kinh tế Việt Nam phát triển song cũng có thể là quả tạ trì kéo đất nước, cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Phải thống kê, phân tích, đánh giá các vấn đề, thậm chí cần lập một bảng so sánh tất cả những “được” và “mất” khi hình thành các đặc khu. Cần phải xem xét kỹ trên cơ sở không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai hàng nhiều chục năm sau và phải ở tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho tới văn hóa - xã hội. Nếu “được” ít so với “mất” hoặc “được” có rủi ro cao, thì nên mạnh dạn dừng dự luật lại, nhất là khi như nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, Vân Đồn quá gần đảo Hải Nam của Trung Quốc và Bắc Vân Phong gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc lại đang có nhiều hành động đầu tư xây dựng nhiều công trình quân sự, trang bị vũ khí tại nhiều đảo ở đây. Và cũng cần phải nhấn mạnh, đóng góp ngân sách của nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thời gian qua không cao. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế… vẫn diễn ra thường xuyên mà ngành chức năng chưa thể giải quyết rốt ráo.

Tin cùng chuyên mục