
“Hiện nay số lượng kiều hối hàng năm về Việt Nam tuy nhiều nhưng chưa được sử dụng có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế. Lỗi này do cơ chế, chính sách của chúng ta chưa hấp dẫn và phù hợp” -ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM (UBVNVNONN TPHCM) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
- Thưa ông, chúng ta vẫn nói phải tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho kiều bào, nhưng thực tế với bà con, “muốn được việc phải kiên nhẫn, chờ đợi”?

Các kiều bào bàn cơ hội hợp tác làm ăn tại một buổi gặp gỡ do UBND TPHCM tổ chức.
- Chính tôi cũng thường khuyên bà con như thế. Sở dĩ phải kiên nhẫn là vì nhiều thủ tục của mình như xin visa, mua nhà, đất… còn rườm rà, nhiêu khê quá. Thậm chí việc xác định huyết thống phải ra tận Hà Nội. Chính sách đối với bà con trong nhiều vấn đề chưa rõ ràng, giống như “nửa nạc, nửa mỡ”, người trong nước không ra trong nước mà nước ngoài cũng không phải.
Từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tình hình bắt đầu cởi mở hơn. Nhưng cũng phải đợi các bộ thực hiện chương trình hành động mà Chính phủ đã đề ra.
Trong chương trình hành động này, Chính phủ đã phân công các bộ có liên quan đề xuất các chính sách cần thiết để tạo thuận lợi cho việc làm ăn của bà con kiều bào. Tôi được biết, sắp tới nhà nước sẽ có chính sách về visa. Có khả năng bà con làm visa ngay tại cửa khẩu sân bay. Chính sách nhà đất cũng sẽ mở rộng đối tượng hơn nữa.
- Có phải vì để rút ngắn thời gian chờ đợi cho bà con kiều bào và đi trước một bước trong việc tạo cơ chế chính sách thu hút “người mình về nhà mình” mà vừa qua UBVNVNONN TPHCM đã ký kết chương trình hợp tác với Trung tâm xúc tiến Thương mại - Đầu tư TPHCM (ITPC)?
- Đúng thế! Chúng tôi có đặt vấn đề với Chính phủ và UBVNVNONN Trung ương đề nghị cho TPHCM thí điểm những mô hình mới để triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Trong đó có việc thực hiện xúc tiến thương mại và đầu tư đối với kiều bào. Tự thân UBVNVNONN không thể thực hiện được nên phải hợp tác với ITPC, để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
- Cụ thể là những việc gì, thưa ông?
- Về xúc tiến thương mại chúng tôi phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Thương mại… từng bước đưa hàng hóa nội địa ra thế giới qua mạng lưới bà con kiều bào. Để thực hiện tốt việc này, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích đối với hàng xuất ví dụ như ưu đãi thuế. Những doanh nghiệp của kiều bào đứng ra tổ chức các hoạt động này cũng cần được ưu đãi. Thật ra, mối quan hệ của bà con kiều bào rất quan trọng, vì họ có thể tự tổ chức mạng lưới phân phối hàng nội ở thị trường ngoại.
Theo tôi, trong thời gian tới Hội doanh nghiệp Việt kiều nên lập tổ chức đại diện của mình ở những nước cần thiết để thông qua các tổ chức đó, bà con thu mua hàng hóa. Việc này, bà con mình làm được vì họ có “chân rết”. Lâu nay Hội doanh nghiệp Việt kiều có xin ý kiến của UBND TP và Sở Thương mại để thành lập các cơ quan đại diện nhưng chưa được. Do vậy tôi kiến nghị UBND TP ủng hộ ý kiến này. Có như thế mới có lối ra, nó cụ thể hóa được ai sẽ đưa hàng hóa nội địa ra thị trường thế giới. Cần phải có sự hợp lực giữa doanh nghiệp Việt kiều và các doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, chúng tôi đang cùng các ban ngành xem xét đánh giá một cách cụ thể việc xúc tiến đầu tư, vì sao hơn 1.000 doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư làm ăn tại VN thì có đến 50% bà con gặp khó khăn? Muốn hút đầu tư mới, tất yếu cần đối xử tốt với những nhà đầu tư Việt kiều đang có sẵn. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho họ làm ăn có hiệu quả thì sẽ dễ thu hút đối với những người mới.
Bên cạnh đó, việc bà con làm ăn chưa hiệu quả là do thiếu thông tin, không nắm rõ thị trường trong nước. Nên chăng cần có một Ngân hàng thương mại cổ phần do Việt kiều đóng vai trò chủ lực. Ngoài việc cho vay vốn, ngân hàng này còn làm dịch vụ tư vấn giúp đỡ bà con để đầu tư vào các chương trình, dự án một cách hiệu quả nhất.
- Theo ông trước mắt cần có những chính sách nào?
- Để đơn giản hóa thủ tục cấp phép, tôi đề nghị trung ương nên ủy quyền cho UBND TP thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” để xử lý các vấn đề do Việt kiều đặt ra, trong đó có việc cấp phép đầu tư. Chúng ta sẵn sàng giao cho ban quản lý thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” cho hưởng ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp trong KCX-KCN còn các doanh nghiệp Việt kiều lại không? Thiết nghĩ, Nhà nước phải có những chính sách như thế cho các doanh nghiệp Việt kiều, vì họ là một bộ phận của cộng đồng Việt Nam !
Thậm chí, chúng ta phải ưu đãi cho bà con hơn. Nếu có chính sách tốt chúng ta sẽ “lèo lái” được lượng kiều hối đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm của thành phố và cả nước (năm 2004 cả nước khoảng 3,2 tỷ USD, TPHCM 1,8 tỷ USD). Đấy là những dự án, công trình có lợi cho đất nước, cho kiều bào và đó cũng là một trong những yếu tố làm lực đẩy cho nền kinh tế. Hiện nay số lượng kiều hối tuy nhiều nhưng chưa được sử dụng tối đa, có chất lượng phục vụ cho nền kinh tế. Lỗi này không phải do bà con kiều bào mà do cơ chế, chính sách chúng ta chưa hấp dẫn và phù hợp.
- Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế “một cửa, tại chỗ” nên thực hiện ngay tại trụ sở UBVNVNONN TPHCM, tức mọi thủ tục giấy tờ từ hồi hương, mua nhà, đến sản xuất kinh doanh đều được nộp và nhận tại số 147 Nguyễn Đình Chiểu?
- Tôi rất đồng tình với ý kiến này! Thực ra, trong gần 3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài, có đến hơn 60% là người ở TPHCM. Do vậy, tôi mạnh dạn nói rằng về quan điểm, Trung ương nên lấy TPHCM làm trọng điểm về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Thế nên, phải phân công, giao quyền cho UBNDTP và UBVNVNONN để chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra hàng ngày.
TRẦN TOÀN