Dự án đường Lê Thánh Tôn nối dài

Cần xác định rõ trách nhiệm

Cần xác định rõ trách nhiệm

Dư luận đang mong chờ động thái của cơ quan chức năng về những vụ việc xảy ra trước kia cũng như mới đây. Đến nay, “lỗ thủng trách nhiệm” ở công trình tai tiếng này, vẫn chưa có người nhận.

  • “Công trình thế kỷ”
Cần xác định rõ trách nhiệm ảnh 1

Sửa chữa mặt cầu Văn Thánh 2.Ảnh: C.T.V.

Tháng 11-1996, UBND TPHCM phê duyệt Dự án “Đường Lê Thánh Tôn nối dài” (Nguyễn Hữu Cảnh) với tổng vốn 278 tỷ đồng. Sau đó do vướng đền bù giải tỏa, vốn đầu tư dự toán của công trình đã vọt lên trên 419 tỷ, chênh lệch 141 tỷ đồng. Theo thiết kế, chiều dài của công trình là 3.690m, rộng 35 - 50m, có 3 cầu là cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2 và cầu vượt nút giao thông cầu Sài Gòn.

Sau khi khởi công vào tháng 5-1997, vừa thi công vừa giải tỏa mặt bằng, do nhu cầu qua lại của người dân, “công trình thế kỷ” trên phải bổ sung hạng mục hầm chui (Quyết định 5099 của UBND TPHCM ngày 15-8-2001), tổng số là 3 hầm, một ở cầu Thị Nghè 2, hai hầm kia tại hai đầu cầu Văn Thánh 2. Hạng mục bổ sung này ngốn thêm 5,4 tỷ đồng nữa.

Tháng 2-2002, tức chỉ sau khi bổ sung hạng mục hầm chui có vài tháng, công trình được đưa vào sử dụng và bắt đầu… lún. 5 tháng sau, cho đến khi hầm chui Văn Thánh 2 (VT2) bị “lùn” xuống chỉ còn 1,4 - 1,5m, đơn vị thi công phải ép 160 cọc bê tông dài 34m xuống phần móng, cắt nóc hầm cũ và xây tường cao thêm cho đủ cao độ 2,5m như thiết kế. Việc này đã tiêu tốn thêm 9 tỷ đồng.

Mọi việc những tưởng đã êm xuôi nhưng sau đó, nền đường Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục lún và ngập nước. Sự việc ngày càng tồi tệ hơn khi cầu VT2 bị chuyển dịch mố cầu. Mới đây nhất vào đêm 15 rạng ngày 16-3, một lỗ thủng lớn xuất hiện trên mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn chuyển tiếp từ phần “đường mềm” sang phần “cầu bê tông cứng”.

Sở GTCC và các bên liên quan đã chọn giải pháp khắc phục là bơm vữa lấp khoảng trống bên dưới lỗ thủng. Chỉ riêng việc bơm 320m3 vữa lấp lỗ hổng ở phần tiếp giáp giữa cầu - đường cũng tốn cả trăm triệu đồng. Tuy vậy, Cục Giám định & Quản lý Chất lượng Công trình Giao thông (Bộ GTVT) cũng cho rằng giải pháp trên chỉ phù hợp trước mắt. Như vậy, đâu là giải pháp căn cơ?

  • “Tại anh, tại ả”...

Sai lầm của đơn vị thiết kế là dùng cừ tràm gia cố móng (phần hầm chui VT2) trên nền đất yếu chứ không dùng cọc bê tông, không đảm bảo thời gian gia tải… dẫn đến việc sau khi hầm chui VT2 bị lún, phải tốn thêm một khoản tiền lớn để ép cọc, sửa chữa hầm.

Đơn vị thi công (CIENCO 6) công nhận rằng hầm chui được thi công trên nền đất yếu chưa gia cố nhưng đổ lỗi cho UBND TPHCM tạo áp lực thông xe tạm vào cuối tháng 12-2001, thay vì phải đợi đến tháng 10-2002. Còn đơn vị tư vấn giám sát thì chưa có những khuyến cáo kịp thời với chủ đầu tư về những sự cố có thể xảy ra khi công đoạn đắp gia tải và chờ lún nền đường không được thực hiện.

Về phần đường Nguyễn Hữu Cảnh bị thủng, đoạn chuyển tiếp từ phần “đường mềm” sang phần “cầu bê tông cứng”, các bên chủ đầu tư, thi công… đổ lỗi cho thiết kế và áp lực thời gian. Thực tế, thay vì phải có thời gian chờ lún và gia tải là 6 - 8 tháng (do túi bùn phía dưới sâu 30m) thì chỉ sau 15 ngày, chủ đầu tư đã đưa vào thi công cho “kịp tiến độ”. Thêm nữa, lưu lượng xe theo thiết kế khi “ước đoán đến 2005” là trên dưới 3.000 lượt xe/giờ cao điểm qua lại đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng thực tế, đã có 62.000 lượt xe qua lại đây mỗi ngày, toàn xe tải nặng, nên đã “đẻ” ra lỗ thủng làm người dân TPHCM bàng hoàng.

Thừa nhận với PV Báo SGGP, chủ đầu tư cho biết từ năm 2002 - 2006, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã lún 7 tấc. Điều này đồng nghĩa với đoạn chuyển tiếp từ “đường mềm” sang phần “cầu bê tông cứng” cũng lún với mức độ tương tự. Chủ đầu tư giải thích rằng đoạn chuyển tiếp vẫn được đấu nối vào mố cầu bằng móc sắt nên mắt thường vẫn thấy mặt đường bê tông là bình thường nhưng phần đường do lún đã tạo khoảng trống bên trong. 320m3 vữa gồm cát, xi măng, đá dăm đã được bơm vào các lỗ hổng đó, nhưng không ai dám khẳng định là đường sẽ hết lún, và sẽ không còn lỗ thủng nào xuất hiện?

  • Giải pháp nào cho cầu VT2?

Sau hầm chui VT2 bị lún, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố các bị can thuộc đơn vị thi công (Công ty 621 trực thuộc Cienco 6), đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam – Tedi South), đơn vị giám sát Phân viện KHCN GTVT phía Nam) và một giám đốc công ty tư nhân cung cấp vật tư cho công trình.

Cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng số tiền tham ô ở hạng mục hầm chui trên khoảng 1,3 tỷ đồng và bàn giao cho Cơ quan điều tra của Công an TPHCM. Sau khi điều tra lại, số tiền được xác định tham ô của các bị can chỉ là 87 triệu đồng, VKSND TPHCM đã truy tố (theo kết quả điều tra của Công an TPHCM) nhưng vụ việc lại được TAND TPHCM trả hồ sơ cho đến nay. Và không một ai đứng ra nhận trách nhiệm về công trình tai tiếng trên cho đến lúc lỗ thủng xuất hiện.

Chỉ riêng phần cầu VT2 đã  trị giá 20 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng nên làm thêm nhịp cầu mới thay cho các đoạn chuyển tiếp hai bên đầu cầu, khi đó hầm chui VT2 sẽ không còn tác dụng, và cầu VT2 thay vì dài 83m như hiện tại, sẽ dài đến 141m. Giải pháp trên sẽ tốn khá nhiều tiền nhưng không phải “nay dặm mai vá”. 

Còn theo một chuyên gia hàng đầu về xây dựng cầu đường, quy trình triển khai dự án cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh đã sai từ đầu và dự án thất bại là điều tất yếu. Để sửa sai, các biện pháp hiện nay không thể giải quyết rốt ráo vấn đề mà chỉ là liệu pháp “chữa cháy”.

Do vậy, cơ quan chức năng nên tiến hành khảo sát, sửa chữa toàn bộ công trình một cách bài bản, căn cơ. Dư luận đang mong chờ động thái của cơ quan chức năng về những vụ việc xảy ra trước kia cũng như mới đây. Đến nay, “lỗ thủng trách nhiệm” ở công trình tai tiếng trên vẫn chưa có người nhận...

MINH ANH - HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục