Hàng lưu niệm cho khách du lịch
Hàng lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với du khách, khuyến khích họ chi tiêu và cũng là cách quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương một cách hiệu quả. Năm 2013, CNN đã thống kê rằng khách du lịch khắp nơi trên thế giới đã tốn khoảng 2,3 tỷ USD để mua đồ lưu niệm. Còn ở Việt Nam, theo một điều tra xã hội học, du khách chi cho mua sắm hàng hóa, quà tặng, quà lưu niệm chiếm 15% tổng số tiền khi đi du lịch.
Đủ kiểu “chặt chém”
Nói khó mãi, một anh hướng dẫn viên du lịch chuyên khách Hoa mới đồng ý cho tôi nhập đoàn của một công ty du lịch của Malaysia đưa 13 khách sang Việt Nam tham quan. Công ty bên phía Việt Nam có anh là hướng dẫn viên, một lái xe và tôi trong vai người học việc. Hành trình của đoàn là Hà Nội - Hạ Long (Quảng Ninh) - Hà Nội (nghỉ đêm) - Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) - Hà Nội (tiễn đoàn).
Có đi tour mới thấy thương du khách. Tôi vốn sống trong môi trường quân đội 6 năm, tác phong nhà binh cũng đã ăn vào máu, thế mà còn phát sợ khi thấy anh hướng dẫn viên ép khách. “Đi nhanh, nói thoáng (ở các điểm tham quan). Một ngày phải đưa (khách) ít nhất đến ba điểm mua sắm”. Đó là khẩu quyết của anh.
Đèn lồng được du khách chọn mua nhiều nhất khi đến thăm Hội An, Quảng Nam. Ảnh: HỮU VI
Nói sao làm vậy. Ở Hà Nội, đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, anh chỉ giới thiệu rất sơ sài về lịch sử, văn hóa, còn thì dành thời gian để quay khách ở các quầy hàng lưu niệm. Đến vịnh Hạ Long cũng vậy, 7 giờ 30 phút sáng, du khách đã xuống tàu nhưng chỉ được tham quan làng chài Ba Hang, hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung. 10 giờ 30 phút trở về tàu là ăn trưa ngay. Lúc đi thong thả nhưng lúc về thì tàu tăng hết tốc lực. Du khách vừa ăn xong bữa trưa, ngồi nghỉ được chừng 15 phút là vừa hay tàu cập bến. Anh lái ô tô đã chờ sẵn để đón họ đưa thẳng đến nơi mua sắm ngọc trai, đá quý. Khách vừa ê ẩm cả giờ ở đó ra là lên xe chạy thẳng về thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương để ghé trạm dừng chân trọng điểm trước khi về Hà Nội...
Và ở bất kỳ điểm tham quan, trạm dừng chân nào, khách cũng tha hồ mà bị quăng quật, chặt chém… Ở một quầy lưu niệm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hộp cao Sao Vàng được bán với giá 1 triệu đồng, được giới thiệu rằng đây là thứ cao mà bộ đội Cụ Hồ dùng thời chiến tranh. Ở điểm dừng chân ABC (phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), một cái gáo dừa mặt ngoài mài nhẵn, mặt trong sơn mài ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm trên khắp cả nước đều có giá trung bình 50.000 - 70.000 đồng. Thế mà ở đây được đẩy giá lên đến 285.000 đồng.
Nhưng chưa thấm vào đâu so với các điểm bán hàng của người Trung Quốc ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại cơ sở Tân Sinh, bán các sản phẩm bằng chất liệu cao su non như gối, đệm, khẩu trang, quần, áo... Hình thức kinh doanh của họ là lợi dụng thế mạnh ngành cao su Việt Nam để giới thiệu và bán sản phẩm cho khách du lịch. Nhân viên của cơ sở này giới thiệu rằng đó là các sản phẩm được làm từ nguyên liệu cao su non khai thác ở Việt Nam nhưng thực tế, sản phẩm được nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ và bán với giá “cắt cổ”. Ví dụ, một cái gối giá nhập là 230.000 đồng nhưng chào bán cho khách với giá 2.200.000 đồng. Tại cơ sở Ngọc Bảo, kinh doanh đá quý, ngọc trai, họ thổi vào tai du khách rằng mình là Hoa kiều chuyên buôn bán đá quý tại Việt Nam, am hiểu và có nhiều cửa hàng đá quý trên khắp Việt Nam. Trên thực tế đây đều là hàng giả mạo và bán với giá cắt cổ. Tại cơ sở Ngọc Thiện, kinh doanh các sản phẩm làm từ than tre, trúc, họ cũng lợi dụng sự phổ biến của tre, trúc Việt Nam để giới thiệu sản phẩm, nhưng thực chất đều là hàng nhập từ Trung Quốc. Hình thức ăn chia của 3 cơ sở này đều là ký trực tiếp với công ty du lịch để đưa khách vào tham quan. Họ chi trả 3 USD/người và 30% tổng giá trị sản phẩm khách mua cho hướng dẫn viên và người lái xe.
Ăn sẵn
Chuyện làm ăn của 3 cơ sở trên ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh như kể trên, phải thừa nhận họ làm rất bài bản. Du khách vào cơ sở, được niềm nở chào đón, được mời trà, được dẫn vào phòng có máy điều hòa mát rượi ngồi nghỉ ngơi một chút rồi người thuyết trình của cơ sở mới lên diễn thuyết bằng cả tài liệu, hình ảnh và trực quan (mời khách thử sản phẩm). Cuối cùng khi khách đã mắt chữ O, miệng chữ A thì mới được dẫn ra khu mua sắm.
Trông người lại nghĩ đến ta, đi đến nhiều điểm du lịch, ta dễ dàng nhận thấy sản phẩm lưu niệm cứ quanh quẩn vẫn là nón lá, quạt giấy, tượng gỗ, tranh thêu… Nhắc chuyện nón lá mới nhớ, anh Trần Ngọc Tiến, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Ngôi sao (Star Travel), kể: “Nhiều du khách quốc tế đến các điểm du lịch của Việt Nam chẳng biết mua gì. Thấy chào mời nhiều, họ ngại thì mua ủng hộ thứ rẻ nhất là cái nón lá. Mua mà không thấy đẹp, không có nhu cầu sử dụng nên khi tiễn ra sân bay, nhiều người chỉ tháo lấy cái quai làm kỷ niệm còn nón thì bỏ lại cho mình. Lần nào tiễn đoàn tôi cũng mang về cả chồng nón”.
Hàng giả cũng là một vấn nạn ở các điểm du lịch Việt Nam. Đến huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), ai cũng mong muốn mua ngọc trai, một sản vật của vùng đất này, để làm đồ trang sức, làm quà tặng. Thế là thị trường ngọc trai hạt nhựa hoành hành khắp đảo. Thôi thì bảo các quầy lưu niệm ở chợ đêm bán hàng giả cho khách tham rẻ đã đành, đến nhiều cơ sở trưng biển nuôi cấy ngọc trai cũng làm hàng giả. Ông Hồ Phi Thủy, một chuyên gia về ngọc trai ở Phú Quốc, bức xúc: “Khắp Phú Quốc đâu đâu cũng có ngọc trai giả. Nhiều cơ sở trưng biển nuôi cấy trai lấy ngọc nhưng thực ra là trá hình. Họ mổ con trai ra nhét hạt ngọc giả (nhập từ Trung Quốc) vào ruột rồi cũng bắt lên mổ cho khách xem như thật”. Rồi ông tư vấn các phân biệt: “Trai nuôi cấy thật thì ngọc nằm trong túi. Trai nuôi cấy giả thì mổ là nó văng hạt ngọc ra ngay”.
Từ năm 2009, Tổng cục Du lịch đã khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng đặc trưng làm quà lưu niệm cho khách du lịch, đảm bảo vừa mang tính gọn nhẹ, vừa làm nổi bật nét văn hóa của địa phương. Chương trình kích cầu du lịch do Tổng cục Du lịch phát động từ năm 2013 cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp, hướng dẫn các sở công thương kết hợp với sở VH-TT-DL của các địa phương để phát động cuộc thi thiết kế quà tặng và hàng lưu niệm bán cho khách du lịch. Tuy nhiên, hầu hết những nỗ lực này mới chỉ dừng lại ở mức phát động phong trào.
Tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc xây dựng quà lưu niệm dành cho khách du lịch của các địa phương, như: Thiết kế sản phẩm chưa phù hợp với thẩm mỹ của khách, giá cả chưa hợp lý, sản phẩm không mang thông điệp của điểm đến, hoặc đôi khi chỉ là lý do rất đơn giản như chúng quá nặng, khó vận chuyển như các sản phẩm làm bằng đá, gốm hay than đá… “Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất của thực trạng này là chúng ta chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho sản phẩm lưu niệm cả về chất xám và tài chính. Chúng ta vẫn giữ thói quen copy, ăn sẵn những mẫu sản phẩm có sẵn. Điều này khiến cho chúng ta không bao giờ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu nhất của sản phẩm lưu niệm, đó là tính độc đáo và bản sắc địa phương”, bà Nguyễn Thu Hạnh nhấn mạnh.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG