Ngày nay, khi muốn học ngoại ngữ, chúng ta thật sự phân vân bởi có quá nhiều trung tâm mà chất lượng thì không có ai kiểm tra được, chỉ biết qua những lời quảng cáo nghe thật “kêu” trên báo đài, nào là chất lượng cao, học phí thấp, học với giáo viên bản ngữ giàu kinh nghiệm... Là một trong những nạn nhân của những lời chiêu dụ “đường mật”, “tiền mất tật mang”, tôi mới có được một kinh nghiệm nhớ đời.
Theo những lời quảng cáo trên báo Tuổi Trẻ (ngày 31-10-2006), tôi tìm đến Trường Ngoại ngữ Quốc tế Âu – Mỹ IWEP (số 262-264 đường 3-2 P12, Q10) để đăng ký lớp học TOEIC (level 3) với học phí là 1.760.000 đồng cho khóa học 6 tháng, song trên quảng cáo ghi học phí chỉ 200.000 đồng/tháng.
Tôi thắc mắc và được giải thích rằng “Mức học phí này chỉ dành cho các lớp vỡ lòng”. Bộ sách tôi đang học có giá ở ngoài thị trường 80.000 đồng/bộ (có 5 đĩa, 2 sách), nhưng nơi đây photo bán lại với giá 125.000 đồng/bộ. Trong buổi học đầu tiên tôi phát hiện trường này thực tế không có mở lớp đúng như yêu cầu chung của học viên. Sau đó trường đã đổi cho tôi học lớp khác. Qua đó, tôi phát hiện phương pháp dạy học ở đây rất sơ sài (giáo viên vào lớp chỉ cho học viên ghi chép và nghe băng cassette...), với số học viên đông (37 người/lớp, trên quảng cáo ghi lớp học chỉ có 15-25 học viên).
Giải thích về trường hợp này, nhà trường cho rằng: “Do có nhiều anh chị tư vấn cứ nhận học viên mà không tổng kết nên lớp đông”. Trường đã quảng cáo: học viên được luyện nghe, có phòng lap, phòng chiếu phim và câu lạc bộ... nhưng thực tế không có gì. Đây là cơ sở thuê nhà ở 4 tầng lầu để mở trường học nhưng chỉ có 2 phòng vệ sinh khoảng 15m2 dùng chung cho cả nam lẫn nữ, thật hôi hám, mất vệ sinh...
Từ kinh nghiệm nêu trên, tôi có lời nhắn những học viên muốn trau dồi ngoại ngữ nên cảnh giác trước lời quảng cáo “rỗng” của các trung tâm, trường như kiểu của IWEP.
NGUYỄN VĂN HỎI EM