Công viên phần mềm Quang Trung

Chặng đường đầu của một biểu tượng

Chặng đường đầu của một biểu tượng

Chính thức hoạt động vào tháng 3 năm 2001, đến nay Công viên phần mềm Quang Trung đã thu hút 69 đơn vị đầu tư và đặt văn phòng với hơn 2.000 chuyên gia phần mềm đang làm việc tại đây. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ trở thành một biểu tượng của TPHCM hiện đại trong thế kỷ 21…

  • Mô hình đầu tiên

Tháng 7 năm 2000, khi UBND TPHCM ra quyết định xây dựng công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) thì đây là mô hình đầu tiên trong cả nước. Lúc đó, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam còn mới phôi thai, chưa có thị trường. Từ quyết định của UBND TPHCM, khu hội chợ triển lãm quốc tế Quang Trung được chuyển đổi chức năng để xây dựng thành CVPMQT.

Chặng đường đầu của một biểu tượng ảnh 1

Lập trình viên làm việc tại Công ty PSD-Công viên phần mềm Quang Trung.

Mất 9 tháng cho việc chuẩn bị và xây dựng, từ một hội chợ xuống cấp và hoang phế đã bước đầu hình thành một khu công viên phần mềm có sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Với những chính sách ưu đãi riêng cho khu vực công nghiệp phần mềm tập trung, CVPMQT được đầu tư hệ thống viễn thông kết nối Internet riêng và xây dựng mạng nội bộ, cũng như được hưởng những ưu đãi dành cho khu công nghệ cao của TPHCM và Chính phủ.

Vào thời điểm khai trương năm 2001, tốc độ đường truyền Internet của công viên là 2Mbps. Về môi trường dịch vụ, công viên cũng được ưu tiên để thực hiện chế độ “một cửa” trong việc xin cấp phép những giấy tờ cần thiết cho các nhà đầu tư, bên cạnh việc triển khai các dịch vụ cơ bản khác như dịch vụ ăn uống, nhà ở, hội họp, đi lại…

Với những lợi thế đó, ngay trong năm đầu tiên hoạt động, công viên phần mềm đã thu hút được 30 doanh nghiệp, trong đó có 7 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia đầu tư.

  • Chỉ “chết” có... 30%

Đến nay, công viên đã có 69 nhà đầu tư, đặt văn phòng làm việc, đào tạo học viên hay xây dựng cơ sở hạ tầng. 43 ha đất dù lớn nhưng đều đã có dự án. Giai đoạn “ươm mầm” doanh nghiệp phần mềm tại công viên đang đi đúng quỹ đạo. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng và siêu lợi nhuận này mang không ít rủi ro.

Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc công ty phát triển công viên phần mềm Quang Trung nhận định: “Đã có khoảng 30% số doanh nghiệp đầu tư vào công viên phần mềm của chúng tôi rồi không trụ lại được. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp “chết” khoảng 30% vẫn là một tín hiệu đáng mừng. Theo số liệu thống kê chung trong cả nước thì tỷ lệ thất bại ở các doanh nghiệp phần mềm hiện nay lên tới 70%!”.

Những số liệu thống kê trong 5 năm qua cho thấy công viên không chỉ phát triển về số lượng các nhà đầu tư mà năng lực hoạt động của các doanh nghiệp cũng phát triển ngày càng ổn định. Từ 30 doanh nghiệp với vốn đăng ký kinh doanh là 2,4 triệu USD trong năm 2001 đã lần lượt tăng lên thành 39 DN (7,1 triệu USD), 62DN (9,529 triệu USD), 65 (22,97 triệu USD), 69 DN (22,97 triệu USD) trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, số chuyên viên phần mềm làm việc tại đây đã tăng vọt từ gần 1.300 người trong năm 2004 lên gần 2.100 người trong năm nay.

“Theo thống kê của chúng tôi thì tại công viên phần mềm hiện nay, một kỹ sư, chuyên viên phần mềm có thể tạo ra giá trị gia tăng khoảng 10.000 USD – 12.000 USD/năm. Hiện nay đa số các doanh nghiệp tại công viên có từ 50 – 100 kỹ sư, chuyên viên phần mềm làm việc, và 3 doanh nghiệp có trên 100 chuyên viên làm việc.

Theo đánh giá của các chuyên gia tin học, một công ty có trên 50 kỹ sư làm việc là công ty đó đã đi vào ổn định, có thể “sống” được. Nếu trên 100 chuyên viên thì trở thành một doanh nghiệp chắc chắn có lời” – ông Chu Tiến Dũng phấn khởi.

  • Nhìn ra phía trước...

Đối với việc phát triển công viên phần mềm, hiện có hai vấn đề chính đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của những nhà quản lý: phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực. Về cơ sở hạ tầng, “đất” của công viên hiện nay đã hết trong khi trên bàn của những nhà quản lý công viên đang có 10 bộ hồ sơ xin đầu tư.

Hướng ra cho việc phát triển công viên ở những tòa nhà văn phòng cho thuê đang được xây dựng. 10 dự án đầu tư xây dựng các tòa nhà đang được triển khai, dự án đầu tư lớn nhất là 69 tỷ đồng, nhỏ nhất là 13,8 tỷ đồng. Những tòa nhà đang được khẩn trương xây dựng. “Sẽ có thêm 30.000m2 văn phòng trong năm 2006” ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, tại công viên hiện nay 1 đồng vốn nhà nước bỏ ra thu hút 7 – 8 đồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Riêng về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tổng vốn thu hút đầu tư đang chuẩn bị triển khai đạt trên 1.000 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư (tính đến tháng 6-2005) là 366 tỷ đồng. Tốc độ đường truyền cũng đã được nâng lên thành 2 cổng 34Mbps, gấp 34 lần so với thời điểm ban đầu.

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực đang gặp nhiều khó khăn hơn, khi các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phần mềm đều thiếu nguồn nhân lực, không riêng gì tại công viên phần mềm. Trong xu thế chung đó, 4 đơn vị đào tạo nguồn nhân lực tại công viên phần mềm cũng đang khẳng định mình, đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực với số lượng học viên tăng hàng năm từ 70% - 80%.

Bây giờ nhiều đối tác nước ngoài đã biết đến CVPMQT để tìm đến. Tuy nhiên, nói về sự phát triển của công viên, ông Chu Tiến Dũng trầm ngâm: “Chúng tôi mới chỉ là một tập hợp của các doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ. 5 năm qua chỉ mới là những bước khởi đầu. Trong mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất phần mềm lớn nhất miền Nam, chúng tôi mới chỉ có thể hài lòng về công tác của một “vườn ươm” cho các doanh nghiệp phần mềm”. 

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục