Trước hết, “công trình giả sử” này không thỏa mãn những người yêu sử mà chỉ là chuyện vãn quán bia thôi. Ở quán bia thường phải nói những chuyện giàu âm sắc, lớn âm lượng và ít nội dung thì mới mong tranh hơi được với thiên hạ…
Đã có một cuộc tranh luận nảy lửa của giới sử học hơn hai chục năm trước về tên gọi một thời kỳ hết sức quan trọng của tiến trình văn minh Việt. Đó là “Thời đại đồng thau”. Một đằng thì căn cứ vào màu sắc tương đối của đồ đồng cổ Đông Sơn để gọi nó là đồng thau. Đằng khác căn cứ trên định nghĩa hóa học của quốc tế nói về hàm lượng những kim loại có trong đồng thau để chỉ ra rằng đó không phải là “Thời đại đồng thau”. Giờ thì ta thấy sử sách không còn gọi thời Đông Sơn là “Thời đại đồng thau” nữa. Đó là chuyện trên giấy. Chẳng quan trọng gì so với nền văn minh đồ đồng Đông Sơn rực rỡ suốt hơn ngàn năm trước và sau Công nguyên của người Việt.
Từ “chậu” chắc chắn có niên đại không thể trước sơ kỳ đồ gốm. Nó là vật dụng đựng nước đầu tiên được con người chế tạo ra. Trước nó, cái “chậu” của loài người là những méo tròn to nhỏ của hồ ao hoặc dằng dặc uốn mình các dòng sông tự nhiên. Loại “chậu” thiên nhiên này vẫn còn được sử dụng ở vài vùng nông thôn chiêm trũng Việt cho đến giữa thế kỷ trước. Nó là cái ao. Có 5 tác dụng. Thả cá, nuôi bèo, tắm táp, rửa rau, vo gạo và toilet. “Chín củ thành mười” là thành ngữ dân gian ám chỉ việc rửa khoai cầu ao ở những nơi hoang dã ấy.
Thời kỳ chậu gốm chậu sành còn duy trì mãi cho đến tận bây giờ dù rằng đã có rất nhiều vật liệu khác thay thế. Có những làng nghề làm chậu gốm nổi tiếng như Phù Lãng, Thổ Hà, Hương Canh. Cái chậu sành hình chóp cụt miệng rộng, lúc tráng men lúc không, dùng vào khá nhiều việc. Từ tắm rửa, giặt giũ cho đến đựng thủy sản tươi sống bán ở chợ. Cũng có lúc dùng để muối dưa cà, chứa nước và làm chiếc vung đậy chum vại. Bây giờ ở nông thôn cũng quá sẵn chậu nhựa chậu nhôm nên nghề chậu sành chỉ còn dùng vào việc sản xuất chậu trồng cây cấp thấp.
Chậu thau, mâm thau, nồi đồng là những tài sản rất có giá trị trong đời sống cả nông thôn lẫn thành thị của người Việt. Mãi cho đến giữa thế kỷ trước nó vẫn là những vật dụng chỉ có trong nhà khá giả. Dùng làm của hồi môn hoặc chia chác ở tòa án mỗi khi tan đàn sẻ nghé. Chậu thau đồng tính theo cân lạng mà không tính bằng dung tích. Lại có những chậu chạm rồng khắc phượng chi chít trong ngoài như một tác phẩm nghệ thuật. Về chơi nhà giàu có ở làng vào quãng những năm 60 thế kỷ trước thể nào cũng thấy chiếc chậu thau đồng được đặt long trọng trên giá bốn chân gỗ quý ngay ngoài thềm. Chậu thau đồng rất quý nên chỉ dùng đứng chứ không dùng ngồi.
Trước hết chủ nhà phải chiêu đãi khách bằng một bữa rửa mặt long trọng. Khăn mặt cháo lòng khô giòn rút trên dây phơi xuống thả vào chậu đồng sáng choang phát ra tiếng kêu ì xèo ti tỉ vang. Cái âm thanh chói ngời sang trọng ấy cùng với nước mưa mát lạnh quả thật cũng đáng là niềm tự hào của chủ nhà. Bà nội tôi năm 1949 tản cư lên Thái Nguyên bỏ lại tất cả nhà cửa giường tủ bàn ghế ở Hà Nội nhưng vẫn tự gánh chiếc chậu thau đồng lên tận vùng núi non Phú Bình.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, chậu thau đồng đã thành của rất hiếm. Người ta đã bắt đầu dùng thau sắt tráng men và chậu tôn đen gò hàn thủ công. Cái chậu thau tráng men Hải Dương có in hình trận địa pháo cao xạ và khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” được bán phân phối. Phiếu mua hàng cưới có một chậu men như thế. Va chạm vỡ men là gỉ, thủng nhanh chóng dù cho hôn nhân thời ấy khá vững bền. Chiếc chậu sắt đen sì gò tay bán tự do. Dùng chứa nước nổi váng vàng khè. Áo trắng ngâm vào đấy bị thôi gỉ sắt. Nhiều người ra đường mặc áo bẩn gỉ sắt hồi ấy là nạn nhân của chiếc chậu này.
“Lơ hồng” bán dạo trên tàu điện là thuốc tẩy vết gỉ sắt khá công hiệu. Nhưng nỗi kinh hãi nhất của chiếc chậu này là âm thanh nó phát ra mỗi khi kéo trên nền gạch cứng. Vanh sắt dưới đáy chậu rít lên chói lạnh như đạn réo. Đến khoảng cuối cùng của cuộc chiến tranh cũng không còn đủ tôn đen để gò chậu nữa. Người ta nghĩ ra loại chậu bằng lốp ô tô lạng mỏng khâu lại. Chiếc chậu dù chưa đựng gì bên trong thì cũng đủ nặng như một chậu nước đầy. Nhưng tha hồ va đập. Có thể cầm nó lẳng ra máy nước công cộng xếp hàng mà không hề hấn gì.
Hòa bình lập lại tràn lan chậu nhựa và chậu nhôm. Chiếc chậu nhôm dày bịch của Liên Xô những đứa trẻ nhà khá giả sinh quãng 1970 vẫn còn thích thú vầy nước trong ấy bất ngờ không còn quý hóa như trước nữa. Nó trở nên quá nhỏ và nặng nề. Những cơ sở “chà đồ nhôm” mua lại của bọn “chôm đồ nhà” những chiếc chậu ấy và biến nó thành chiếc chậu nhôm lớn gấp đôi dung tích.
Trong căn hộ cao cấp bây giờ rất khó để tìm ra chiếc chậu thau. Nó được thay bằng bồn tắm, vòi tắm, lavabô rửa mặt và máy giặt. Nhà tôi rất lâu rồi không có chiếc chậu thau. Cũng không cảm thấy thiếu. Hôm vừa rồi ghé qua cổng trời Quản Bạ nhìn thấy cửa hàng mỹ nghệ bán chiếc chậu gỗ ngọc am đai mây khá đẹp. Họ bảo dùng để ngâm chân chữa rất nhiều bệnh. Ngại vác nặng nên hẹn khi quay về sẽ lấy.
Thế nhưng lên Đồng Văn thấy người ta bán tinh dầu ngọc am đầy chợ. Lại còn hướng dẫn mua một cái chậu gỗ y như thế đổ dầu vào trước khi đổ nước nóng. Dầu ngấm vào gỗ thơm được bốn lần ngâm chân. Chán cả dầu lẫn chậu chẳng muốn tha về làm gì. May thế, về nhà đọc sách mới biết rằng gỗ ngọc am chỉ dùng làm quan tài ướp xác là tốt nhất mà thôi. Mình thì đang sờ sờ…
10-2013
ĐỖ PHẤN