Từ ngày 1-7-2007

Luật hóa quyền hiến mô, hiến xác

Hôm qua, 21-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 4 luật: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật Thể dục thể thao; Luật Đê điều và Luật Chuyển giao công nghệ.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1-7-2007. Theo luật này, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Người có nguyện vọng hiến cần đăng ký với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; chỉ lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống đã đăng ký hiến. Trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô, hoặc cần ghép mô cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì được phép lấy mô của người chưa đăng ký hiến nếu có sự đồng ý của người đó.

Một điểm quan trọng khác là luật cho phép tư nhân được thành lập ngân hàng mô. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, nên luật giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ Y tế, nhu cầu về ghép tạng do các bệnh suy gan, suy thận tại Việt Nam đang gia tăng, nhưng việc đáp ứng nhu cầu của người bệnh hết sức khó khăn, chủ yếu do không có nguồn cung cấp tạng.

Việc luật hóa quyền hiến mô, hiến xác là điều kiện quan trọng để khắc phục tình trạng này. Việt Nam hiện có 9 cơ sở y tế có thực hiện các hoạt động ghép tạng, trong đó chủ yếu là ghép thận và gan.  

H.Y.

Tin cùng chuyên mục