Trong hai ngày 30 và 31- 8, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong 10 nội dung được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp này, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đã chiếm nhiều thời gian nhất, được bàn kỹ và sôi nổi nhất.
Vướng mắc lớn nhất của dự luật này chính là xử lý vấn đề hai giấy chứng nhận quyền sở hữu đất; sở hữu nhà và công trình trên đất (sổ đỏ và giấy hồng). Bên cạnh “sổ đỏ” do Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý, hiện Bộ Xây dựng đang triển khai cấp “sổ hồng”. Theo các thành viên Chính phủ, tới đây, khi Luật Kinh doanh bất động sản ra đời sẽ phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc xung quanh việc xử lý sổ đỏ và sổ hồng, gây phiền hà cho dân.
Tại cuộc họp báo chiều qua 31-8, ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng cho biết: Kết luận vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường phải xây dựng lại hoàn toàn dự luật trên theo hướng chỉ một cửa, một cơ quan quản lý duy nhất và một giấy để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân. “Chừng nào làm được như vậy thì hãy trình lên Chính phủ”, Thủ tướng nói.
Phiên họp Chính phủ cũng bàn thảo về Chương trình mục tiêu quốc gia về giai đoạn giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và Chương trình 135. Thủ tướng cho rằng đây là hai chương trình “đã đi vào lòng người, rất thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số” nên đã quyết định tăng mức đầu tư xóa đói, giảm nghèo trong giai đoạn này lên tổng số tiền là 60.000 tỷ đồng.
Vốn cho chương trình tổng hợp này sẽ thống nhất giao cho địa phương phân bổ, thực hiện, các bộ, ngành giám sát, kiểm tra. Vốn đầu tư sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phương thức làm ăn, nhà ở, giáo dục, y tế nhằm sớm giảm 4,6 triệu hộ nghèo hiện nay. Sắp tới, sẽ có một Ban chỉ đạo về giảm nghèo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo, điều phối chung nhằm thực hiện hiệu quả hơn hai chương trình nói trên.
Kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Phan Văn Khải đã yêu cầu các Bộ trưởng tổ chức chỉ đạo, thực hiện, tăng cường kiểm tra, đôn đốc sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực: sản xuất, đầu tư và dịch vụ. Bởi 3 lĩnh vực này tăng sẽ đóng góp rất lớn vào GDP.
Muốn vậy, các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, ngành phải hạn chế đi nước ngoài, hạn chế tham dự các hội nghị, hội thảo không cần thiết để đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Riêng hai ngành nông nghiệp và thủy sản phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn trong vấn đề sắp xếp, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp nhà nước - lĩnh vực mà hai Bộ này đang chuyển biến rất chậm. Riêng Bộ NN-PTNT cần chú trọng kiểm tra xử lý đê kè, chống bão lụt, sạt lở đê điều và dịch cúm gia cầm, bảo đảm các điều kiện thực hiện tốt việc tiêm phòng cho gia cầm trước khi bước vào mùa dịch (từ tháng 12-2005 đến tháng 3-2006).
Thủ tướng cho rằng các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu tháng 8 và 8 tháng qua đã đạt mức tăng trưởng khá. Thu ngân sách đã vượt chi. Tuy nhiên, khó khăn lớn đặt ra là vấn đề giá cả có nhiều biến động. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu trong những tháng cuối năm phải triệt để tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, nhất là xăng dầu. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tình hình căng thẳng về giá xăng dầu hiện nay để tăng giá tùy tiện, bất hợp lý. Từ sự căng thẳng giá cả trước mắt hiện nay, các bộ, ngành phải tìm các giải pháp tổng thể về kiềm chế giá cả trong 5 năm tới một cách cơ bản.
NAM QUỐC