Sau 8 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng

Chỉ đạt 28,5% kế hoạch

Hôm nay 23-11, Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp phiên giám sát này trên kênh VTV1, bắt đầu từ 8 giờ sáng.

Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, qua 8 năm thực hiện dự án, nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của các địa phương và người dân đã có bước chuyển biến; độ che phủ rừng đã được tăng lên qua các năm; góp phần tạo thêm việc làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tiến độ trồng rừng chậm, không đạt kế hoạch giai đoạn 1998 - 2005. So với nhiệm vụ trồng mới 5 triệu ha rừng đến năm 2010 theo Nghị quyết của Quốc hội, sau 8 năm thực hiện, dự án mới trồng được 1.424.135 ha, đạt 28,5%. Trong đó, tiến độ trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 32,2%; tiến độ trồng rừng sản xuất đạt 22%. Với tiến độ như vậy thì trong 5 năm còn lại (2006 - 2010) còn phải trồng mới trên 3,5 triệu ha rừng. Như vậy, dự án sẽ khó đạt chỉ tiêu nhiệm vụ của kế hoạch đến năm 2010.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chưa bám sát Nghị quyết của Quốc hội. Theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ, đã có sự thay đổi lớn về chỉ tiêu nhiệm vụ của dự án từ 1998 đến năm 2010. Cụ thể: giảm diện tích trồng mới 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng xuống còn 1 triệu ha; giảm diện tích trồng mới 3 triệu ha rừng sản xuất xuống còn trồng mới 2 triệu ha rừng nguyên liệu công nghiệp giấy, ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ, cây đặc sản, rừng gỗ quý hiếm…

Trong quá trình thực hiện, tổng số vốn của dự án đã tăng từ 31.650 tỷ đồng lên 33.000 tỷ đồng, nhưng chất lượng rừng còn kém, khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp. Sản lượng gỗ khai thác hiện nay còn rất thấp (theo thống kê khai thác gỗ hàng năm, cả nước chỉ đạt 2,5 triệu m3/năm), do chủ trương hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên nên hàng năm vẫn phải nhập khoảng 2 triệu m3 gỗ.

Giá trị lâm nghiệp đóng góp cho sản xuất nông - lâm nghiệp chỉ đạt 4% và bằng gần 1% GDP của cả nước. Tình trạng chặt phá rừng trái phép và cháy rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, công tác bảo vệ rừng vẫn còn khó khăn, phức tạp. Trong giai đoạn 1998-2005 đã xảy ra 443.245 vụ vi phạm. Diện tích rừng bị phá và khai thác trái phép là 21.013 ha, diện tích rừng bị cháy là 58.704 ha, khiến tổng diện tích rừng bị mất lên tới 79.717 ha.

B.M.

Tin cùng chuyên mục