Virus cúm A H5N1 kháng thuốc Tamiflu

Chỉ là cá biệt

Chỉ là cá biệt

Ngày 21-12, trên tạp chí Y học New England, một nhóm các nhà khoa học Đại học Oxford, Anh, đã công bố công trình nghiên cứu cho biết virus cúm gia cầm H5N1 làm chết 2 người ở Việt Nam đã lờn thuốc chống cúm gia cầm Oseltamivir, lưu hành trên thị trường dưới cái tên Tamiflu.

Nhắc lại, hồi đầu năm 2005, một bệnh nhân ở một bệnh viện tại tỉnh Đồng Tháp (22-1) sau một ngày bị ho và sốt. Bệnh nhân được điều trị thuốc Tamiflu. Sau vài ngày, thuốc dường như phát huy tác dụng. Tuy nhiên, bệnh nhân đột nhiên khó thở và cần thêm oxy, tình trạng viêm phổi trở nên xấu đi nhanh chóng và tử vong sau 6 ngày nhập viện.

Chỉ là cá biệt ảnh 1

Thông tin trên đã gây “sốc” cho nhiều người, khi mà thế giới vẫn lo lắng về một đại dịch cúm A H5N1 có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa đông năm nay.

Trao đổi với báo chí về thông tin này vào ngày hôm qua 23-12, lãnh đạo ngành y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khẳng định: việc virus H5N1 kháng thuốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên sẽ chỉ là những trường hợp cá biệt.

* Thứ trưởng Bộ Y tế TRỊNH QUÂN HUẤN: 

-Chúng tôi chưa nhận được báo cáo chính thức về thông tin này. Tuy nhiên, theo tôi, không thể kết luận vội vàng hiện tượng virus kháng thuốc Tamiflu. Để khẳng định, phải có một nghiên cứu tỉ mỉ trên nhiều bệnh nhân để xem xét việc dùng thuốc có đúng liều, đúng thời điểm và thời gian hay không. Đối với những bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1 điều trị không khỏi, hoặc tử vong, cần xác định đó là do Tamiflu hay nguyên nhân nào khác.

Còn về nguyên tắc, một virus để kháng lại một loại thuốc cần có thời gian đáng kể tiếp cận với thuốc đó, trong khi ở Việt Nam, Tamiflu được dùng chưa lâu và chỉ một số ít bệnh nhân cúm A H5N1 được dùng Tamiflu. Hiện nay chúng tôi được biết, vì lo ngại vấn đề kháng thuốc, ngay cả nhà sản xuất Roche cũng đã tính đến chuyện tăng liều sử dụng Tamiflu để đảm bảo hiệu quả của thuốc trong việc chống lại virus cúm A H5N1.

* Ông NGUYỄN TRẦN HIỂN, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

- Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ chưa nhận được bất cứ báo cáo nào về thông tin này. Tuy nhiên, có một điều mà tôi phải khẳng định: virus H5N1 kháng thuốc là điều hoàn toàn bình thường. Vì bất cứ một vi sinh vật gây bệnh nào, trong đó có virus H5N1 hay kể cả virus HIV, đều có thể gây kháng thuốc nếu dùng không đúng chỉ định. Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã từng nghiên cứu về khả năng kháng thuốc Tamiflu của virus cúm A H5N1.

Kết quả, chúng tôi đã phát hiện một bệnh nhân nhỏ tuổi ở Thái Bình nhiễm cúm A H5N1 bị kháng thuốc Tamiflu trong quá trình điều trị, tuy nhiên bệnh nhân này sau đó vẫn được điều trị khỏi. Cho đến trước khi có thông tin mà nhóm các nhà khoa học Anh công bố trên tạp chí Y học New England, đó là trường hợp kháng thuốc Tamiflu đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

* Ông HANS TROEDSSON, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam:

- Đúng là ở Việt Nam đã có một vài trường hợp bệnh nhân cúm A H5N1 tử vong do kháng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt và cần phải có những nghiên cứu thật cụ thể về vấn đề này. Hoàn toàn có thể thử nghiệm một phác đồ điều trị Tamiflu cho bệnh nhân H5N1 khác với hiện nay đang làm. Việc thử nghiệm sẽ được chúng tôi phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam triển khai trong thời gian sớm nhất.

PHAN THẢO 

 Ưu tiên phòng chống cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán

Ngày 23-12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thông tin đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Đỗ Quý Doãn, hiện nay có một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng dịch. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đề nghị các cơ quan báo chí phải tăng cường công tác tuyên truyền xuống mọi tầng lớp người dân để họ hiểu và có biện pháp phòng tránh. Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Tuất, cần phải ưu tiên tối đa cho công tác kiểm soát và phòng chống dịch cúm gia cầm.

* Ngày 23-12, tại Hội nghị tăng cường giám sát và phòng chống cúm A H5N1 khu vực phía Nam, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ cuối tháng 12-2005 đến tháng 2-2006 là giai đoạn đỉnh cao của dịch cúm gia cầm. Theo Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền-BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, ngoài việc phát hiện một số gien của virus kháng thuốc Tamiflu, độc lực của virus hiện nay cũng tăng cao hơn trước. Điều đáng lo là đã có nhiều trường hợp tử vong nhanh chỉ sau vài giờ nhập viện. Kết quả xét nghiệm nhiều lần đều cho âm tính cúm A H5N1, do đó khả năng có biến chủng mới của virus cúm gia cầm trên người.

TH.N.  - NG.TR.

Tin cùng chuyên mục