Các cuộc thi hát trên truyền hình

Chỉ thuyết phục khi minh bạch và công bằng

Chỉ thuyết phục khi minh bạch và công bằng

Hai cuộc thi hát “Sao Mai điểm hẹn” (SMĐH) và “Vietnam Idol” đang bước vào những vòng thi quyết liệt, nhưng vấn đề được nhiều người quan tâm nhất thời điểm này không phải ai sẽ đoạt giải mà là tính minh bạch của các cuộc thi và những phản ứng thái quá từ các thí sinh, thành viên Hội đồng nghệ thuật (HĐNT).

Nhìn lại một chặng đường mà SMĐH và “Vietnam Idol” đã đi qua, có thể thấy mỗi một mùa thi chương trình lại được đầu tư tổ chức hoành tráng hơn, sân khấu lộng lẫy hơn (trừ sân khấu của Vietnam Idol phải giữ đúng như format). Tuy nhiên, chất lượng, tài năng của các thí sinh lại có phần giảm sút. Được xem là sân chơi chuyên nghiệp nên thí sinh của SMĐH có phần vượt trội về giọng hát và cách trình diễn so với thí sinh của “Vietnam Idol”. Nhưng cứ nghe những lời nhận xét từ phía HĐNT, người tinh ý dễ dàng nhận ra, thật sự giọng hát của các em vẫn chưa làm hài lòng và thuyết phục được những nhà chuyên môn. Với “Vietnam Idol”, vốn là chương trình nặng tính giải trí, nên cũng khó đòi hỏi thí sinh vượt trội về khả năng ca hát. Có lẽ vì thế mà những chuyện lùm xùm phía sau hậu trường lại là phần gây tò mò, hấp dẫn khán giả.

Cuộc thi “Vietnam Idol” năm nay có nhiều tình tiết được dư luận cho là không minh bạch.

Cuộc thi “Vietnam Idol” năm nay có nhiều tình tiết được dư luận cho là không minh bạch.

Điều trăn trở, bức xúc nhất mà hai cuộc thi năm nay mang lại chính là văn hóa ứng xử của các thí sinh. Hơi tự cao, có một chút ngạo mạn trong cách ứng xử của thí sinh Đinh Mạnh Ninh với HĐNT trong SMĐH 2010 và văng tục khi bị loại khỏi “Vietnam Idol” của Đức Anh, đã khiến những ai quan tâm đến lớp ca sĩ trẻ hiện nay cảm thấy lo ngại. Hình như các em đến với những cuộc thi hát không phải để phô diễn tài năng, thể hiện nét đẹp văn hóa, mà là sự quyết liệt trong cuộc kiếm tìm danh tiếng.

Trong hai cuộc thi này, quyền quyết định cuối cùng thuộc về khán giả nên sự bình chọn của khán giả giữ phần quan trọng nhất trong cả hai cuộc thi. Nhưng đến giờ này, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: liệu đã có sự minh bạch, công bằng trong cách tổ chức bình chọn? Ban tổ chức (BTC) của hai cuộc thi đều công bố có một đơn vị kiểm toán độc lập theo dõi kết quả tin nhắn bình chọn, nhưng trong các buổi họp báo và trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, không có mặt người đại diện của đơn vị này; không nghe BTC công bố cụ thể số phiếu bình chọn cho từng thí sinh sau mỗi đêm thi. Lẽ ra, thí sinh và cả khán giả theo dõi được quyền biết số phiếu cao nhất, thấp nhất là bao nhiêu.

Sự công bố rõ ràng về tiêu chí bình chọn, số lần nhắn tin, số liệu bình chọn cụ thể, sẽ tạo cảm giác an tâm về độ minh bạch và chính xác. Việc thí sinh Đăng Khoa của “Vietnam Idol” tự động rút lui khỏi cuộc chơi, nhường “suất” ấy cho Uyên Linh cũng làm cho chương trình “mất điểm” trong mắt khán giả. Theo nhiều người, thí sinh được quyền rút lui, nhưng không có quyền chỉ định người thay thế mình. Vấn đề là BTC chấp nhận chuyện này khiến có tin đồn là do có sự sắp xếp từ phía BTC, như thế người ta có quyền hiểu là thiếu minh bạch, công bằng?!

Các cuộc thi hát truyền hình ngày càng nở rộ về quy mô, được tổ chức liên tục. Tài năng thật khó xuất hiện hàng năm. Thí sinh đi thi với ảo tưởng cứ xuất hiện nhiều từ hết cuộc thi hát này đến cuộc thi hát kia sẽ tạo được danh tiếng, và nhiều em đã tìm mọi giá để tạo “ấn tượng”, trong khi BTC các cuộc thi cũng chưa thể hiện tính minh bạch và công bằng thuyết phục công chúng.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục