Lần đầu tiên công chúng Việt Nam được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật độc đáo của Nhật Bản ngay tại Hà Nội. 70 hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng quốc gia Kyushu và một số cơ quan văn hóa khác tại Nhật Bản đã khiến công chúng thú vị khi khám phá sự giao lưu văn hóa khăng khít giữa hai đất nước.
Những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản đã chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa. Thành quả đầu tiên của sự hợp tác này là cuộc trưng bày chuyên đề Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại đã được tổ chức thành công tại Bảo tàng quốc gia Kyushu ở Nhật Bản từ tháng 4 đến tháng 6-2013. Với khoảng 300 tài liệu, hiện vật, trưng bày không chỉ tập trung giới thiệu về lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mà còn giới thiệu rộng rãi tới khách tham quan Nhật Bản và du khách quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Việt Nam. Trưng bày đã thu hút hơn 70.000 lượt khách tới tham quan, tìm hiểu.
Tiếp tục chương trình hợp tác, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Tổng cục Văn hóa Nhật Bản và Bảo tàng quốc gia Kyushu tổ chức trưng bày chuyên đề Văn hóa Nhật Bản tại số 25 Tông Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Trưng bày không những giới thiệu khái quát những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản, mà còn giúp khách tham quan tìm hiểu về lịch sử giao thương giữa hai nước.
Các hiện vật khảo cổ học, tranh, tượng, các sản phẩm thủ công và tài liệu, thư tịch cổ từ thời Jomon (khoảng 12.000-2.400 năm cách ngày nay) đến thời Edo (1603-1868) được chia thành 9 chủ đề: đồ gốm cổ đại Nhật Bản, đồ đồng cổ đại Nhật Bản, nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Nhật Bản, vật dụng nghi lễ Phật giáo, Nhật Bản với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, lịch sử bang giao Việt Nam – Nhật Bản, gốm sứ Nhật Bản thời kỳ Edo (thế kỷ 17 – 18), nghệ thuật Samurai và sưu tập hiện vật trao đổi văn hóa.
Việt Nam và Nhật Bản đã có truyền thống giao lưu văn hóa, thương mại từ rất sớm. Từ cuối thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, quan hệ giao lưu văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ thông qua mậu dịch Châu Ấn Thuyền. Chính quyền hai nước đương thời đã trao đổi những văn bản ngoại giao cấp quốc gia, đồng thời có những chính sách khuyến khích mở rộng giao thương, buôn bán. Chúa Nguyễn cho phép các thương gia Nhật Bản lập phố Nhật ở Hội An để buôn bán. Nhiều thương gia Nhật đã lấy vợ người Việt, sinh con, lập nghiệp lâu dài tại Hội An.
Để minh chứng cho điều này, triển lãm trưng bày các hiện vật: Quốc thư của chính quyền chúa Nguyễn gửi chính quyền Hideyoshi, Nhật Bản để đặt quan hệ giao thương, niên hiệu Quang Hưng thứ 14, thời Lê trung hưng, 1591. Châu ấn trạng (giấy phép đóng dấu đỏ) do Mạc Phủ Tokugawa cấp cho Châu Ấn thuyền tới An Nam quốc (Đàng Trong) buôn bán, thời kỳ Edo, năm 1614. Tranh vẽ Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng vẽ cảnh thuyền Châu ấn vượt biển tới Đàng Trong (miền Trung Việt Nam ngày nay) buôn bán, thời kỳ Edo, thế kỷ 17 – 18. Tranh Vạn quốc nhân vật vẽ các tộc người trên thế giới, người Việt Nam và người Nhật Bản cùng xuất hiện trong tranh, thời kỳ Edo, thế kỷ 17.
Mảng sưu tập hiện vật trao đổi văn hóa cũng rất cuốn hút người xem. Trong các năm 1943 - 1944, Bảo tàng Hoàng gia Tokyo (nay là Bảo tàng quốc gia Tokyo) và Viện Viễn đông bác cổ Hà Nội đã thống nhất tiến hành trao đổi di sản văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật nhằm mục đích giao lưu văn hóa.
Về phía Nhật Bản, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Khmer và những hiện vật khác được gửi đến từ Học viện Viễn đông bác cổ được đưa ra giới thiệu trưng bày từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, hiện vẫn được lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng quốc gia Tokyo.
Sưu tập hiện vật gửi từ Nhật Bản đến Viện Viễn đông bác cổ Hà Nội đã được phía Việt Nam lưu giữ, bảo quản cẩn thận mặc dù trải qua nhiều biến động, di chuyển sơ tán bởi chiến tranh. Hiện sưu tập đang được lưu giữ, phát huy tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Triển lãm còn giới thiệu tới khách tham quan sưu tập hiện vật trao đổi này như một minh chứng về mối quan hệ mật thiết và những thành quả hợp tác trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong lịch sử. Đó là sưu tập mặt nạ Noh và Kyogen, sưu tập chắn tay kiếm, đĩa sứ Nabeshima thế kỷ 17.
Trong suốt thời gian chuẩn bị và tổ chức cuộc trưng bày, các chuyên gia bảo tàng của Nhật Bản cũng cùng với những người đồng nghiệp Việt Nam thiết kế phòng trưng bày, hệ thống chiếu sáng, bày và làm phiếu thông tin về từng cổ vật, tỉ mỉ đo nhiệt độ hàng ngày trong phòng trưng bày để điều chỉnh chế độ ánh sáng nhằm bảo quản tốt nhất cổ vật. Chính vì thế, đây cũng là một cơ hội tốt để các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam học hỏi, nâng cao nghiệp vụ.
Nhân dịp này, cuốn sách Văn hóa Nhật Bản cũng được ấn hành giúp bạn đọc tiếp cận với những cổ vật giới thiệu trong trưng bày một cách sâu sắc và hiểu biết hơn về văn hóa Nhật Bản trong tiến trình lịch sử. Ấn phẩm cũng ghi dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị, cùng phát triển sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa hai nước Việt Nam, Nhật Bản.
Thảo Lư