Chiến khu xanh thẳm

Chiến khu xanh thẳm

Do một sự tình cờ bị chặn xe không được qua cầu, chúng tôi phải đi vòng trên con đường gập ghềnh cặp biên giới, xuyên qua Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Rừng Lò Gò còn nhiều cây tạp, không xanh mướt tràn nhựa sống như bên Xa Mát. Tuy nhiên, rừng cũng đã đẹp lắm và màu xanh phủ tràn khiến con tim rung động như được trở về chốn cũ, gặp lại người xưa...

Những cô gái đội mũ tai bèo, khăn rằn quấn cổ hấp tấp nhảy xuống xe đi xem có sự cố gì mà đoàn dừng lại, dáng đi trên con đường đất đỏ giữa rừng xanh, nhìn sau lưng sao mà gợi thương gợi nhớ... dù các “cô” giờ tuổi đã quá sáu mươi, đã qua giám đốc này, giám đốc nọ... Lại gợi nhớ một cô em “xinh nhất nhà” đã ngã xuống vạt rừng xanh... Càng thêm nhớ khi nhìn các bảng bê tông chỉ dẫn bên đường có những mũi tên trỏ vào rừng đề các chữ “Thông tấn xã giải phóng”, “Đài phát thanh giải phóng”...

Nhạc sĩ Hồ Bông đứng ven đường nhoẻn cười bắt tay tôi, áo ghi lê đầy huy chương trên ngực. Tôi ngạc nhiên: “Báo đưa tin anh đang nằm viện?” - “Thì trốn viện mà đi...”. Tuyết Nga, cán bộ Đài Phát thanh Giải phóng năm xưa nay mở Khu du lịch Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi, cổng khu du lịch này xây hình chữ nhân, một lần khai trương đã treo đôi câu đối tôi gửi tặng với lòng mong mỏi:

Đất Thép bao năm, đạn xới bom cày, nghĩa lớn vai oằn xua tàn bạo

Việt Nam một thoáng, nghề tinh tay khéo, nhân sâu lòng nặng gánh văn minh...

Bết bao bạn bè, biết bao kỷ niệm trong các bức ảnh hôm nay. Và cũng biết bao ước mơ hay dự định đã thành hoặc còn dang dở.

Đài tưởng niệm di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam 1961-1962. Ảnh: C.T.

Đài tưởng niệm di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam 1961-1962. Ảnh: C.T.

Mấy năm trước, tôi đã có nhiều dịp về thăm Xa Mát. Bây giờ, ở đây có khu di tích lịch sử văn hóa căn cứ Trung ương Cục miền Nam, một điểm du lịch khá nổi tiếng mà vào ngày nghỉ, nhất là những ngày lễ, từng đoàn xe đậu kín một khoảng sân rộng, dưới màu xanh của những cây bằng lăng rừng cũ. Đường vào khu căn cứ trải nhựa phẳng lì, rừng hai bên đã phục hồi, cành lá căng nhựa xanh tuyệt đẹp. Chúng tôi vào rừng, đi qua suối Tiên Cô (ngày xưa, các cô gái kháng chiến hay ra đây tắm), đi trong rừng xanh với âm vang câu hát Róc rách, róc rách, suối luồn qua khóm trúc /Lá rơi, lá rơi xoay tròn nước cuốn trôi trong Nhạc rừng của Hoàng Việt.

Nhớ có lần tôi và vài bạn văn đã đưa nhà thơ giám đốc Trung tâm Uy-li-am Gioi-nơ (cựu chiến binh Mỹ) là Kê-vin Bô-oen và nhà dịch thuật kiêm nhà thơ Nguyễn Bá Chung lên thăm căn cứ này theo yêu cầu của hai anh. Kê-vin ngày xưa đóng quân ở Tây Ninh, nên anh xách máy ảnh đi lang thang tìm kỷ niệm cũ… Vào đến căn cứ Trung ương Cục, đi hết một vòng, thấy sự đơn sơ giản dị quá đỗi, hai anh đều hết sức ngạc nhiên, đặt ra rất nhiều câu hỏi như bảo vệ ra sao, bao nhiêu lực lượng, chống biệt kích, chống càn quét thế nào … Một nhà thơ bạn tôi đã từng sống tại vạt rừng này cười nói: “Các anh xua quân vào thì chúng tôi “né” và đánh trả, cần gì có nhiều quân…”. Hôm đó, chúng tôi ra về khi mưa chiều bắt đầu rơi mát mẻ trên vạt rừng xanh.

Lại nhớ lần các anh An ninh R đưa nhà thơ Viễn Phương đến nơi này, lúc đó còn là rừng. Các anh trải tấm bản đồ thiết kế khu lưu niệm lên cỏ, chỉ cho xem chỗ nào sẽ xây tượng đài, chỗ nào là nhà lưu niệm, chỗ nào sẽ đặt văn bia… Các anh mời anh Viễn Phương đến đây để đặt anh viết cho bài văn bia, anh Viễn Phương rủ tôi đi theo cho có bạn. Bây giờ thì cụm khu lưu niệm này đã xong, chúng tôi xúm nhau chụp ảnh dưới tượng đài và các anh chỉ cho tôi chỗ đặt bài văn bia đã khắc. Nhưng anh Viễn Phương thì đã mất rồi.

Lại nhớ lần mấy anh chị em bạn viết “đi thực tế rừng xưa” mắc võng trong rừng. Tôn Nữ Thu Thủy nói cô thật xúc động khi vào căn cứ cũ, có cảm giác như những người đã ngã xuống, đã nằm lại nơi đây, đang nhập hồn vào ngọn gió, nhành cây mà trò chuyện cùng cô… Thu Nguyệt thì lẳng lặng nộp cho tôi bài thơ mới làm có nhan đề Trảng cỏ… Nhưng có lẽ Đặng Nguyệt Anh là người xúc động nhất trong đoàn vì đã “vượt Trường Sơn muôn dặm tìm chồng”, và sinh con đầu giữa cánh rừng mà “con cuốn chiếu cũng là mối đe dọa” đối với trẻ sơ sinh… Bây giờ, cháu bé sinh trong rừng ấy đã lớn, một cháu gái. Cháu du học ở Nhật và về nước lập nghiệp thành công. Chị đọc bài thơ viết cho con ngày ấy:

Con thì bé bỏng quá chừng
nhà lại không phên, không vách
mẹ thương con đang sốt
tắc kè bò trên mái trung quân làm mẹ hoảng hốt
con sóc rung cây mẹ cũng giật mình
Đêm không ngủ
mẹ viết cho con những dòng nhật ký
mong con lớn khôn hiểu rõ cội nguồn

Tôi chợt tỉnh khi thấy bên đường có hai anh bộ đội biên phòng, trẻ măng, quần áo chỉnh tề màu cây rừng xanh thẳm chở nhau trên xe máy đi tuần bỗng dừng xe, đứng nghiêm, giơ tay lên mũ chào lá cờ sao vàng giữa nền xanh đỏ. Sực nhớ ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Vẫn là sự tình cờ chăng khi chúng tôi trở về thắp hương tại khu di tích Ban Tuyên huấn Trung ương cục, thấy tấm bia kẻ chữ đỏ nằm không xa tấm bảng xanh của đồn biên phòng. Và buổi lễ long trọng diễn ra tại khuôn viên đồn biên phòng dưới tán rừng xanh.

TRẦN THANH GIAO

Tin cùng chuyên mục