Theo đó, việc tái cơ cấu kinh tế Thái Lan sang kỷ nguyên kinh tế mới sẽ được thực hiện theo 7 trụ cột. Thứ nhất là nâng cấp các ngành công nghiệp hiện có, song song với việc xây dựng các ngành công nghiệp mới mà Thái Lan có tiềm năng cao, và tăng cường tổng thể chuỗi cung ứng. Thứ hai là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghiệp sang các ngành công nghiệp xanh và thông minh thông qua đầu tư vào tự động hóa, áp dụng kỹ thuật số và trung hòa carbon. Thứ ba, thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm thương mại, cửa ngõ thương mại và đầu tư quốc tế cho khu vực. Thứ tư là củng cố các doanh nghiệp vừa, nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp, đảm bảo họ được kết nối với thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ năm, thúc đẩy đầu tư vào các vùng khác nhau của Thái Lan phù hợp với tiềm năng của từng vùng và tạo điều kiện cho tăng trưởng toàn diện. Thứ sáu là khuyến khích đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Và cuối cùng là xúc tiến đầu tư ra nước ngoài để mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty Thái Lan.
Ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng Thư ký BOI, cho biết BOI sẽ thúc đẩy 7 trụ cột này thông qua sự kết hợp các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ dịch vụ và các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Trong vòng 5 năm tới, BOI sẽ chú trọng hơn vào việc tăng cường hỗ trợ cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của nước này. Hơn nữa, Thái Lan sẽ tăng cường tập trung vào phát triển khả năng đổi mới, nghiên cứu và phát triển cũng như xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức mạnh mẽ hơn. Đồng thời, nước này sẽ tiếp tục đưa ra các lợi ích về thuế và các ưu đãi khác để khuyến khích đầu tư vào các ngành và khu vực mục tiêu.