Pax Vietnamitica

Chiến tranh và hòa bình kiểu Việt Nam

Chiến tranh và hòa bình kiểu Việt Nam

Ngày 30-4-2001, tôi đang ở Mỹ trong một chuyến đi nghiên cứu. Một bữa liên hoan nhỏ chào mừng Ngày chiến thắng được tổ chức ngay tại phòng của tôi nằm trong campus (ký túc xá) một trường đại học. Bạn bè - gồm nhiều quốc tịch khác nhau - nói chuyện vui vẻ. Bỗng một nữ đồng nghiệp người Mỹ đưa ra nhận xét: “Đọc lịch sử Việt Nam, sao tôi thấy có quá nhiều những cuộc chiến tranh…”.

Chiến tranh và hòa bình kiểu Việt Nam ảnh 1

Bảo vệ đất nước bình yên (ảnh chụp tại Việt Trì, Phú Thọ 1970). Ảnh: MAI NAM

Đúng như thế. Việt Nam nằm trên ngã tư quốc tế, ở giao điểm của hai con đường từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam và ngược lại. Việt Nam được ví như cửa ngõ đi vào vùng Đông-Nam châu Á.

Do đó, trong quá khứ, Việt Nam nhiều lần lọt vào tầm ngắm của các thế lực bành trướng và xâm lược, gồm cả Âu, Á, Mỹ. Cho nên, lịch sử Việt Nam thường bị ngắt quãng bởi nhiều cuộc chiến tranh.

Nhưng đừng vì thế mà cho rằng dân tộc Việt Nam hiếu chiến. Không, “nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình” (Hồ Chí Minh, 25-8-1969), “muốn làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” (Hồ Chí Minh, 9-1947).

Trên đường đi sứ sang nhà Nguyên - kẻ vừa tiến hành ba cuộc xâm lăng nước Đại Việt - hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) viết:

Vãn tận thiên hà tẩy giáp binh
Miếu đường vô ý sự biên chinh.
(Kéo hết nước sông trời xuống để rửa sạch áo giáp và binh khí,
Triều đình không hề muốn có chiến tranh ở biên giới).

Nếu Bolivia và Mexico mỗi nước có một thành phố mang tên La Paz, nếu Canada có dòng sông Peace (1)... thì ở Việt Nam, những địa danh như Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Bình, Bình An, An Hòa... rất nhiều, phản ánh ước nguyện sống trong hòa bình.

Vì yêu hòa bình, người Việt Nam nhiều lần phải nhún nhường, uyển chuyển. Chẳng hạn, các vương triều Việt Nam tuy vẫn kiên định nền tự chủ song vẫn giữ tình hòa hiếu với đế chế phong kiến Trung Hoa, sẵn sàng xin cầu phong và triều cống.

Ở thời hiện đại, trước ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, chỉ trong bảy tháng của năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự ba hội nghị (ở Hà Nội, Đà Lạt và Fontainebleau) và ký hai văn kiện (Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946) với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi gặp các viên chức cao cấp Pháp ở Đông Dương (d’Argenlieu, Leclerc...) cũng như ở Paris (Georges Bidault, Marius Moutet...) để tìm cách đẩy lùi bóng ma chiến tranh càng xa càng tốt, cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa.

Càng yêu hòa bình, người Việt Nam càng quý độc lập và tự do: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (Hồ Chí Minh, 17-7-1966). Khi độc lập của Tổ quốc và tự do của nhân dân bị xâm phạm, người Việt Nam kiên quyết đánh cho “Sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Quang Trung, 1-1789), “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ” (Hồ Chí Minh, 20-12-1946).

Lịch sử mấy nghìn năm cho thấy: dù phải đối đầu với những kẻ xâm lược có sức mạnh quân sự và kinh tế lớn hơn nhiều lần, người Việt Nam - không kể già trẻ, trai gái, không phân biệt khuynh hướng chính trị và niềm tin tôn giáo - đoàn kết một lòng, không sợ gian khổ, sẵn sàng hy sinh.

Tuy phải cầm súng để bảo vệ độc lập và tự do, người Việt Nam luôn xem chiến tranh là điều bất đắc dĩ, chỉ mong chấm dứt chuyện đổ máu càng sớm càng tốt. Trong ba tháng đầu của chiến tranh Việt - Pháp không dưới tám lần Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp: “Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu chống bọn thực dân phản động...

Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp... Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp... Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn” (1-1-1947). Đó không phải là lời kêu gọi suông.

Hội nghị cán bộ trung ương tháng 4-1947 chủ trương “không để bỏ lỡ một cơ hội nào có thể hòa giải với nước Pháp, nếu Pháp nhận Việt Nam độc lập và thống nhất... Phải lợi dụng hết khả năng ngoại giao, làm cho cuộc đổ máu Việt - Pháp rút ngắn lại”.

Hai mươi năm sau, giữa lúc Chính phủ Mỹ cho trút bom đạn và chất độc hóa học xuống đất nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với hai nhà báo Mỹ Harry S.Ashmore và W.C. Baggs ngày 7-1-1967: nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục xâm lược Việt Nam, “Chúng tôi kiên quyết chiến đấu đến cùng để giành độc lập, tự do”, song nếu người Mỹ “đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em... Tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình” (2).

Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Richard M.Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mỹ” và đề nghị Mỹ rút quân về nước để “tránh cho hàng chục vạn thanh niên Mỹ phải tiếp tục chết một cách vô ích ở miền Nam Việt Nam, tránh cho hàng chục vạn gia đình Mỹ khỏi bị tang tóc đau thương” (25-8-1969). Đối với đạo quân viễn chinh Mỹ, Chủ tịch hứa: “Tôi sẽ trải thảm đỏ để họ rút về nước” (Hãng tin Associated Press, 20-12-1965).

Hơn năm thế kỷ trước, các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng từng đề nghị với Vương Thông, tổng binh quân xâm lược Minh “nếu muốn rút quân về nước, ta sẽ sửa sang cầu cống, mua sắm tàu thuyền, thủy lục hai đường tùy theo ý muốn; quân ra khỏi cõi, muôn phần bảo đảm được yên ổn, không lo ngại gì; nước ta lại phụng cống xưng thần theo như lệ trước” (3). Khi Vương Thông thấy sắp thua, xin hòa, các thủ lĩnh chấp thuận ngay, vì:

“Niệm quốc gia trường cửu chi kế,
Phóng thập vạn khất hàng chi binh.
Tu lưỡng quốc chi hòa hảo,
Tức vạn thế chi chiến tranh.
Toàn quốc vi thượng,
Duy đồ tập ninh”
(Nghĩ kế lâu dài cho quốc gia,
Tha mười vạn binh lính đã xin hàng.
Sửa sang mối hòa hảo cho hai nước,
Dập tắt ngòi chiến tranh cho muôn đời.
Giữ vẹn nước là hơn,
Lo dân gian yên là trọng) (4)

Sau khi chiến thắng các đạo quân xâm lược, người Việt Nam chủ trương nhanh chóng hòa giải với những kẻ đã từng gieo rắc đau thương, tang tóc cho dân tộc mình: trao trả tù binh, cung cấp ngựa, thuyền và lương thực để chúng về nước, cử sứ giả sang triều cống như trước.

Vua Lê Thái Tổ cống hai tượng hình người bằng vàng (đại thân kim nhân) để thế mạng cho hai tướng giặc Liễu Thăng và Lương Minh chết trong trận Chi Lăng năm 1428; còn vua Quang Trung thì cho thu nhặt xác quân Thanh, chôn cất tử tế và lập đàn cúng tế rất trọng thể.

Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu đó của tổ tiên, người Việt Nam hôm nay sẵn sàng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với những nước đã từng mang quân sang xâm lược Tổ quốc mình.

Hòa bình trong quan niệm của dân tộc Việt Nam rất độc đáo, nên tôi muốn đặt cho nó một tên gọi riêng - PAX VIETNAMITICA (Hòa bình theo kiểu Việt Nam - tiếng Latinh). Có hiểu Pax Vietnamitica thì mới hiểu cách ứng xử của người Việt Nam trong mọi tình huống - từ hữu nghị, hợp tác đến thù nghịch, xung đột – mới hiểu tại sao trong cảnh bom đạn khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gọi cuộc chiến tranh Việt - Pháp là “cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn”, xem những người Mỹ có thiện chí là “những người anh em”!
30-4-2005

1) “La Paz” (tiếng Tây Ban Nha) và “Peace” (tiếng Anh) có nghĩa là “Hòa bình”.
2) Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ, Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris, Viện Quan hệ quốc tế xuất bản, Hà Nội, 1990, tr. 202-203.
3) Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập (bản dịch của Trúc Khê).
4) Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú (bản dịch của Lê Thước).

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục