Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC)

Chính phủ và doanh nghiệp phải thấu hiểu và thông suốt

Chính phủ và doanh nghiệp phải thấu hiểu và thông suốt

Chiều 14-11, Hội nghị Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã nhóm họp tại Khách sạn Melia. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cũng là Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng.

Sau lời cảm ơn những đóng góp to lớn của ABAC cho sự phát triển của APEC và tiến trình thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư nhằm tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực vì mục tiêu “Hướng tới cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Với 50% tổng kim ngạch thương mại, 60% tổng sản phẩm toàn cầu và khoảng 40% dân số thế giới, APEC trở thành khu vực tăng trưởng bậc nhất thế giới. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi sự bất ổn của thị trường dầu lửa, các nền kinh tế APEC vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của kinh tế toàn cầu. Điều đó chứng tỏ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư thực sự là động lực thúc đẩy phát triển và đem lại sự thịnh vượng cho cả khu vực APEC nói chung và từng nền kinh tế thành viên nói riêng”.

Với tư cách là Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định APEC đánh giá cao những đóng góp tích cực và hiệu quả của ABAC trong việc góp phần thắt chặt hơn nữa sự hợp tác giữa các thành viên APEC nhằm đối phó với các thách thức đang ngày càng gay gắt như sự cách biệt về trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên APEC, giá cả biến động phức tạp, thiên tai dịch bệnh liên tiếp và cả những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ gây khó khăn cho việc lưu chuyển nguồn vốn, dịch vụ công nghệ và lao động.

Chủ tịch cũng cho rằng chắc chắn các khuyến nghị của ABAC sẽ được các nhà lãnh đạo kinh tế APEC xem xét một cách thận trọng trong Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC cũng như trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa các thành viên ABAC với các nhà lãnh đạo APEC sắp tới. Chủ tịch chân thành cảm ơn sự ủng hộ của các nền kinh tế APEC và ABAC trong suốt thời gian qua với Việt Nam và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình đó trong thời gian sắp tới.

Sau phiên họp của ABAC chiều 14-11, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch ABAC 2006, cho biết: 2 nội dung chính đã được Hội nghị ABAC bàn thảo là những nội dung sẽ được đưa ra đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong ngày 18-11 và trong chương trình nghị sự cho năm 2007.

Theo ông Dũng, các đại biểu tham dự hội nghị nhìn nhận rằng, việc khơi thông vòng đàm phán Doha; xúc tiến quá trình tự do hóa đầu tư và thương mại vẫn là những vấn đề then chốt. Bên cạnh đó là các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hợp tác trong các lĩnh vực tài chính và năng lượng. Ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh: “Các đại biểu bày tỏ mong muốn có được sự thấu hiểu và thông suốt trong quan hệ giữa doanh nghiệp với Chính phủ ở các nền kinh tế thành viên APEC. Nhiều ý kiến nhận định rằng, thời gian qua, quan hệ này đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Chiều 16-11, ABAC sẽ có thông báo chính thức về những nội dung trên để gửi tới Hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC”. 

ANH THƯ – VĂN NGHĨA 

9 khuyến nghị ABAC dự kiến gửi đến các nhà lãnh đạo APEC

1. Nối lại vòng đàm phán Doha: kiến nghị các nhà lãnh đạo đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến nối lại vòng đàm phán và tiến tới giải quyết các vấn đề vướng mắc.

2. Giải quyết vấn đề năng lượng: khuyến nghị các nhà lãnh đạo APEC chủ động có biện pháp ứng phó với sự mất cân đối về năng lượng.

3. Tăng cường hơn nữa sự thống nhất trong các thỏa thuận tiểu khu vực và song phương. Khu vực mậu dịch tự do FTAAP sẽ là mức độ cao nhất của sự thống nhất và hòa đồng các thỏa thuận này.

4. Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại: khuyến nghị cần thúc đẩy hơn nữa thuận lợi hóa thương mại trên cơ sở các biện pháp APEC đã nêu trong Chương trình hành động về thuận lợi hóa thương mại (2006-2010) và giải pháp mang tính tổng thể trong các lĩnh vực như: tạo khuôn khổ chung APEC và hài hòa hóa về tiêu chuẩn, thủ tục hải quan, trao đổi dữ liệu của APEC nhằm mục đích bảo đảm an toàn và tự do hóa các dòng lưu chuyển thương mại trong khu vực.

5. Ưu tiên cải cách về các lĩnh vực như quy chế, hệ thống đánh thuế, khả năng tiếp cận nguồn tài chính và luật lao động cứng nhắc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại trong khu vực, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

6. Củng cố hệ thống tài chính: cần tiếp tục nỗ lực củng cố hệ thống quản lý rủi ro, điều hành hệ thống tài chính khu vực, tăng cường tính minh bạch và năng lực điều tiết của hệ thống cũng như khuyến khích các dòng vốn đầu tư.

7. Các nền kinh tế APEC cần khai thác triệt để các phát kiến và thành tựu công nghệ và hợp tác chặt chẽ để tận dụng các cơ hội do công nghệ mang lại.

8. Xây dựng quy trình APEC chặt chẽ hơn để có thể tiếp nhận và xử lý ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp và tiếp tục cải thiện đối thoại và củng cố hợp tác hai bên.

9. Các khuyến nghị khác: các nhà lãnh đạo APEC cần quan tâm về hơn về một số vấn đề khác như: doanh nghiệp và phòng chống dịch bệnh, thiên tai, khoa học đời sống và môi trường...

NGỌC QUANG lược ghi

Chính phủ và doanh nghiệp phải thấu hiểu và thông suốt ảnh 1
Đại biểu tham dự Hội nghị ABAC mặc thử “áo rồng”.

Tin cùng chuyên mục