Ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản:

Chính quyền 3 bang ở Mỹ làm không đúng quy định FDA

Nâng giá thu mua là cực kỳ khó khăn, nhưng vẫn phải làm
Chính quyền 3 bang ở Mỹ làm không đúng quy định FDA

Sự kiện cá da trơn Việt Nam bị 3 bang Lousiana, Missisippi, Alabama của Mỹ nghi nhiễm kháng sinh và cấm đưa ra thị trường đang là tâm điểm chú ý không chỉ đối với DN kinh doanh thủy sản Việt Nam mà còn đối với dư luận trong và ngoài nước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQAVED), Bộ Thủy sản cho biết:

Chính quyền 3 bang ở Mỹ làm không đúng quy định FDA ảnh 1

Chất kháng sinh Fluoroquinolone đã bị cấm sử dụng trong NTTS ở Việt Nam.

- Ngay từ năm 2002, Chính phủ đã có Quyết định số 07 cấm sử dụng các chất kháng sinh có hại trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tháng 2-2005, Bộ Thủy sản đã công bố danh mục 17 hóa chất cấm sử dụng trong NTTS, trong đó có 10 hóa chất mà EU cấm, 11 hóa chất Mỹ cấm (có một số loại trùng nhau nên tổng cộng là 17 hóa chất).

Đồng thời, bộ cũng ban hành 34 chất quy định sử dụng giới hạn có tối đa trong NTTS (tương đương với các quy định của EU, Mỹ). Hai danh mục này đã bảo đảm đầy đủ những kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng của 2 thị trường lớn nhất, khó tính nhất là EU và Mỹ.

Những tiêu chuẩn về hóa chất bị cấm hay hạn chế sử dụng cũng không phải do Bộ Thủy sản Việt Nam tự đưa ra, mà dựa trên tiêu chuẩn của Ủy ban CODEX, Tổ chức Thú y thế giới và theo quy định của các thị trường lớn, có công nghệ hiện đại như Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Na Uy...

- Dư luận cũng đang đặt câu hỏi, trong danh mục hóa chất cấm sử dụng trong NTTS của Bộ Thủy sản Việt Nam không có chất fluoroquinilones, là chất mà 3 bang của Mỹ tìm thấy trong sản phẩm cá của một số doanh nghiệp Việt Nam?

- Tại thời điểm Bộ Thủy sản Việt Nam ban hành danh mục 17 hóa chất bị cấm sử dụng trong NTTS, Mỹ cũng không cấm sử dụng chất này trong NTTS. Vì vậy, tại Việt Nam, hóa chất này chỉ có trong danh sách hóa chất bị hạn chế sử dụng. Tôi cho rằng, danh mục các hóa chất bị cấm trong NTTS mà Bộ Thủy sản ban hành tháng 2-2005 là rất đầy đủ tất cả những hóa chất mà Mỹ cấm.

Gần đây, qua việc nghiên cứu các tác động của hóa chất đối với sức khỏe người tiêu dùng, Mỹ đã cập nhật thêm chất này trong danh sách các hóa chất bị cấm sử dụng trong NTTS. Và mới đây, Mỹ đã chuyển chất này từ danh sách các chất bị hạn chế sử dụng sang danh sách các chất bị cấm sử dụng trong thủy sản.

Cần nói thêm rằng, danh mục các hóa chất bị cấm trong NTTS được Mỹ cập nhật thường xuyên, có khi hàng tuần, hàng tháng. Và nhiệm vụ của các nước xuất khẩu là phải cập nhật thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Đó cũng là lý do mà ngày 18-8 vừa qua, Bộ Thủy sản Việt Nam đã ban hành quyết định đưa fluoroquinilones – là hóa chất mà các bang ở Mỹ tìm thấy trong một số lô hàng cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam vào danh mục các hóa chất bị cấm trong NTTS. Tôi cũng xin nói rõ, quy định cấm sử dụng chất này (với giới hạn bằng 0) chỉ là đối với hàng thủy sản xuất đi thị trường Mỹ và Bắc Mỹ, còn các thị trường khác vẫn chấp nhận sử dụng có giới hạn.

- Theo ông, việc một số bang ở Mỹ viện lý do có hóa chất bị cấm trong 2 lô hàng để đưa ra lệnh cấm cá da trơn Việt Nam có đúng theo quy định của luật pháp Mỹ?

- Theo luật của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mà tôi đang có trong tay, thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các bang đó đã làm không đúng quy định của Mỹ và hoạt động của FDA đã thực hiện từ năm 1997 đến nay. FDA quy định, nếu một lô hàng của doanh nghiệp không bảo đảm an toàn thực phẩm thì sẽ không được nhập khẩu vào Mỹ hoặc sẽ bị tiêu hủy ngay tại chỗ.

Sau đó tên doanh nghiệp có lô hàng bị nhiễm sẽ bị đưa lên mạng cảnh báo của FDA và các lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp đó sẽ bị tự động giữ lại để kiểm tra, cho đến khi nào đạt được 5 lô hàng tiếp theo bảo đảm yêu cầu của FDA, đồng thời doanh nghiệp có văn bản đề nghị FDA được bỏ tên mình ra khỏi mạng cảnh báo.

- Đề nghị ông xác nhận thông tin FDA sẽ đưa ra lệnh cấm nhập khẩu đối với cá da trơn Việt Nam?

- Mấy ngày qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin: người phát ngôn của FDA cho biết FDA sẽ đưa ra lệnh cấm đối với cá da trơn Việt Nam. Thế nhưng, đến sáng qua (24-8), FDA khẳng định với tôi rằng họ không có phát ngôn viên nào cả. Và họ cũng không bình luận gì thêm.

- Vậy thưa ông, để đưa hoạt động xuất khẩu cá tra, ba sa sớm trở lại nhịp độ bình thường, Bộ Thủy sản sẽ có biện pháp gì?

- Ngày 24-8, các bộ Thủy sản, Thương mại, Ngoại giao đã họp về vấn đề này. Kết luận của chúng tôi là: nếu người NTTS không sử dụng hóa chất bị cấm thì nguyên liệu sẽ bảo đảm sạch, cũng có nghĩa là sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp cũng sạch và sẽ không có một thị trường nào chối bỏ. Sản phẩm sạch.

Đó là con đường duy nhất để thủy sản Việt Nam ra với thị trường thế giới. Bộ Thủy sản Việt Nam đã và đang tăng cường các hoạt động kiểm soát dư lượng kháng sinh trong sản xuất, chế biến hàng thủy sản, từ khâu sản xuất thức ăn tới thú y thủy sản, chế biến hàng xuất khẩu. Đặc biệt là tuân thủ mọi quy định về dư lượng kháng sinh của EU, Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản khó tính nhất.

Còn trước mắt, NAFIQAVED sẽ cử ngay đoàn cán bộ sang các bang trên để giải quyết các khúc mắc về vấn đề dư lượng kháng sinh.

- Xin cảm ơn ông.

QUANG PHƯƠNG
 

Nâng giá thu mua là cực kỳ khó khăn, nhưng vẫn phải làm

Chiều 24-8, trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vụ một số bang miền Nam Hoa Kỳ vừa ra lệnh tạm ngưng tiêu thụ toàn bộ cá basa fillet của Việt Nam do phát hiện chất kháng sinh thuộc nhóm flouroquilones, ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản Việt Nam cho biết: Tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa ở ĐBSCL vốn đang gặp nhiều khó khăn sẽ phải gánh thêm nhiều thách thức. Trước nhất, sản lượng xuất khẩu của một số doanh nghiệp ở trong vùng có thị phần ở các bang (miền Nam Hoa Kỳ) tạm ngưng tiêu thụ sản phẩm cá basa fillet sẽ bị ảnh hưởng. Khi đầu ra giảm, giá cá tra, cá basa nguyên liệu trong vùng sẽ biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân. Chiều nay (25-8), Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cùng với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, cá basa chủ lực trong vùng sẽ họp mặt cùng với nông dân sản xuất cá tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Cuộc họp này sẽ nắm lại thực trạng sản xuất và bàn các giải pháp tiêu thụ cá tra, cá basa trong vùng. Chuyện đưa ra giải pháp nâng giá thu mua cá da trơn nguyên liệu ở ĐBSCL trong bối cảnh này là cực kỳ khó khăn, nhưng chúng ta vẫn phải làm.

C.H.P.

Tin cùng chuyên mục