
- Dùng thuốc kháng virus sớm nhất cho tất cả trường hợp nghi ngờ
Sáng 15-11-2005, Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Trưởng ban Điều trị, thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm type A H5N1 cho biết: Bộ trưởng Bộ Y tế đã chính thức ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm viêm phổi do virus.

Bệnh nhân H5N1 điều trị tại Viện y học Lâm sàng
Mấu chốt của Hướng dẫn( phác đồ) là: dùng thuốc kháng virus( oseltamivir) sớm nhất cho các trường hợp nghi ngờ viêm phổi do virus; đồng thời thực hiện hồi sức hô hấp và quan tâm đến việc điều trị suy đa phủ tạng cho người bệnh ( nếu có). Những ca ngờ phải được cách ly xử lý triệt để.
Theo hướng dẫn này, Bộ y tế nhấn mạnh: đến các yếu tố dịch tễ như người bệnh có tiếp xúc với gia cầm bị bệnh trong vòng 2 tuần trước đó (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh v.v...), hoặc sống ở vùng có dịch cúm gia cầm ; Tiếp xúc gần với người bệnh đã xác định cúm, hoặc người bệnh tử vong vì viêm phổi chưa rõ nguyên nhân.
Vì thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam người bệnh nhiễm virus cúm type A (H5N1) diễn biến nặng lên nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao,tỷ lệ tử vong cao, Bộ Y tế đã quyết định điều chỉnh Phác đồ Hướng dẫn chẩn đoán xử trí và phòng lây nhiễm viêm phổi do vi rút"thay cho Phác đồ cũ ban hành, ngày 30-9-2004.
Tại Phác đồ mới ban hành, Bộ y tế đã nhấn mạnh đến các biện pháp phòng và chống lây nhiễm bệnh trong đó, mỗi người dân và nhân viên y tế phải thực hiện các biện pháp cách ly và chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.
Tại phác đồ điều trị mới, Bộ Y tế vẫn nhắc lại các diễn biến lâm sàng điển hình như: Người bệnh có các dấu hiệu lâm sàng sau: bệnh diễn biến cấp tính và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, sốt trên 38oC, có thể rét run; Xuất hiện các triệu chứng về hô hấp như: thường ho khan, đau ngực, hoặc viêm long đường hô hấp trên; Khó thở, thở nhanh, tím tái; Ran nổ, ran ẩm khi nghe phổi và có thể dẫn đến suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); Nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc; Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức và suy đa tạng;Tổn thương thâm nhiễm lan toả một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh. Số lượng bạch cầu: bình thường hoặc giảm; Khí máu giảm...
- Phòng tránh lây nhiễm và phát hiện sớm là biện pháp chủ đạo
Theo đó Bộ y tế cũng thắt chặt các quy định phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện như: Mọi nhân viên y tế khi phát hiện người bệnh nghi ngờ đều phải chỉ dẫn người bệnh đến các cơ sở y tế được chỉ định tiếp nhận các người bệnh này để họ được khám, phân loại và cách ly nếu cần.
Đối với các bệnh viện: Tổ chức các khu vực cách ly như đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác;Hạn chế người ra vào khu vực cách ly; Trước cửa buồng bệnh để chậu nước cloramin B 5% hoặc dung dịch chlorhexidine 0,5% để rửa tay trước khi vào và sau khi ra và đặt tấm vải tẩm cloramin B hoặc formalin ở nền nhà trước cửa ra vào để mọi người phải đi qua tấm vải tẩm loại hoá chất này; tổ chức các hình thức phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm.
Phát hiện sớm và cách ly buồng riêng ngay những người nghi ngờ mắc bệnh dịch; Người bệnh đã xác định bệnh được xếp phòng riêng, không xếp chung phòng với người nghi ngờ mắc bệnh dịch; Tất cả người bệnh phải đeo khẩu trang tiêu chuẩn; Người nghi ngờ mắc bệnh phải đeo khẩu trang tiêu chuẩn khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh; Người bệnh cần chụp Xquang, làm các xét nghiệm, khám chuyên khoa cần được tiến hành tại giường.
Nếu không có điều kiện, khi chuyển người bệnh đi chụp chiếu, xét nghiệm... phải thông báo trước cho các khoa liên quan, để nhân viên y tế mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ tiếp nhận người bệnh chu đáo. Người bệnh phải đeo khẩu trang và mặc áo choàng khi vận chuyển trong bệnh viện. Hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân trong bệnh viện. Cấm người nhà và khách đến thăm khu cách ly. Nếu người nhà đến thăm người bệnh ngoài khu vực cách ly phải đeo khẩu trang và trước cửa mỗi buồng bệnh để chậu nước cloramin B 5% hoặc dung dịch chlorhexidine 0,5% để rửa tay trước khi vào.
* Các cơ sở y tế phải thông báo ngay về Trung tâm y tế dự phòng địa phương và Bộ Y tế những trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh 24/24 giờ trong ngày; Đối với bệnh nhân nghi và nhiễm bệnh phải hạn chế tối đa việc vận chuyển người bệnh và chỉ chuyển người bệnh trong trường hợp người bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của cơ sở;Đảm bảo an toàn cho người bệnh và người chuyển người bệnh (lái xe, nhân viên y tế, người nhà v.v..) theo hướng dẫn ở mục phòng bệnh; Nhân viên vận chuyển người bệnh phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ: khẩu trang loại N95, áo choàng một lần, mặt nạ che mặt, găng tay, mũ.; Tẩy uế xe cứu thương sau mỗi lần vận chuyển người bệnh bằng chất sát khuẩn thông thường.
Đối với các trường hợp người bệnh tử vong do dịch phải được khâm liệm tại chỗ theo quy định phòng chống dịch, phải khử khuẩn bằng các hoá chất: cloramin B, formalin; Chuyển người bệnh tử vong đến nơi chôn cất hay hoả táng bằng xe riêng và đảm bảo đúng quy định phòng lây nhiễm. Sau khi tử vong, trong khoảng thời gian 24 giờ phải hoả táng hoặc chôn cất, tốt nhất là hoả táng.
Trong diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh lúc này, mỗi người dân và cộng đồng phải nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, và nâng cao sức đề kháng như :vệ sinh cá nhân như: nhỏ mũi, súc miệng-họng bằng các thuốc sát khuẩn;Uống vitamin .Đối với nhân viên y tế và những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm cúm A/H5, với liều dùng: oseltamivir 75 mg, 1 viên/ngày x 7 ngày
*Sáng cùng ngày, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Hiện nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang khẩn trương nghiên cứu và thử nghiệm tiêm vaccin đặc hiệu với virus cúm A chủng H5N1 trên nhóm người tình nguyện để sớm đưa vaccin sử dụng đại trà trên người.
V.Q (Theo TTXVN)