Ông Gaddafi vẫn biệt tích

Hãng AFP ngày 10-9 đưa tin, lực lượng vũ trang của phe nổi dậy tại Libya đã mở đợt tấn công vào Bani Walid, một trong những thành trì của nhà lãnh đạo Gaddafi, nhằm bắt sống ông khi thời hạn chót buộc ông ra đầu hàng đã hết.
Ông Gaddafi vẫn biệt tích

Hãng AFP ngày 10-9 đưa tin, lực lượng vũ trang của phe nổi dậy tại Libya đã mở đợt tấn công vào Bani Walid, một trong những thành trì của nhà lãnh đạo Gaddafi, nhằm bắt sống ông khi thời hạn chót buộc ông ra đầu hàng đã hết.

  • Tung tích ông Gaddafi vẫn là ẩn số

Giao tranh giữa lực lượng ủng hộ ông Gaddafi và lực lượng thuộc Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) rất dữ dội với vũ khí chủ yếu là rocket. Ngoài Bani Walid, giao tranh cũng nổ ra tại thung lũng Đỏ nằm trên tuyến đường dẫn đến TP duyên hải Sirte, quê hương của ông Gaddafi. Còn tại thị trấn Sabha, lực lượng NTC tiếp tục đẩy lùi các tay súng trung thành với ông Gaddafi vào sâu bên trong khu vực sa mạc.

Phe nổi dậy tập trung vũ khí tấn công.

Phe nổi dậy tập trung vũ khí tấn công.

Hiện vẫn có rất nhiều tin đồn về vị trí ẩn náu của ông Gaddafi. Nhiều lời đồn đoán cho rằng nếu chưa rời khỏi lãnh thổ Libya, ông Gaddafi chỉ có thể đang trú ẩn tại Bani Walid, Sirte hoặc Sabha. Để truy bắt bằng được ông Gaddafi, NTC đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm với khoảng 200 người cùng những phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại nhất. NATO cũng giúp NTC săn lùng ông Gaddafi bằng các hoạt động tình báo và những thiết bị dò tìm tối tân nhất.

Sau khi Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol phát lệnh truy nã các quan chức Libya và ông Gaddafi, Chính phủ Niger tuyên bố sẽ tuân thủ nếu như những người bị truy nã đặt chân lên nước này. Hiện ngày càng nhiều quan chức trong chính quyền ông Gaddafi tìm cách chạy sang Niger rồi từ đó sang Burkina Faso. Giới chức Niger xác nhận, trong số đó có Tư lệnh quân đội Libya, ông Ali Kana.

  • Các kế hoạch hậu chiến

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố, NATO sẽ tiếp tục sứ mệnh ở Libya cho đến khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi không còn khả năng gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho người dân ở đây. Sau đó, vai trò của NATO ở Libya sẽ chỉ mang tính hỗ trợ, giúp đỡ.

Tuy nhiên, các lãnh đạo hiện nay ở Tripoli và cả phe nổi dậy ở Benghazi đều không tỏ ra ủng hộ sự có mặt của quân nước ngoài trên đất Libya nên bất kỳ quân đội nào có sứ mạng “gìn giữ hòa bình” của LHQ cũng chắc chắn bị phản đối.

NTC đã quyết định sẽ lãnh đạo Libya trong 8 tháng tới, cho đến khi tổ chức được bầu cử trực tiếp để chọn ra 200 đại biểu tham gia ủy ban soạn thảo Hiến pháp, còn việc bầu cử tổng thống và quốc hội sẽ diễn ra sau một năm. Tuy nhiên, những việc này chỉ diễn ra khi lực lượng nổi dậy kiểm soát được 100% lãnh thổ.

Hiện nay, cuộc sống của người dân Libya, đặc biệt là tại khu vực Tripoli, đang gặp nhiều khó khăn. Hệ thống điện, nước chưa được khôi phục hoàn toàn. Lương thực thiếu trầm trọng. Nhiều cơ sở hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể mở cửa hay sản xuất trở lại.

Để hỗ trợ cho việc tái thiết Libya sau chiến tranh, ông Ian Martin, cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, đã có mặt ở Tripoli để thảo luận với các nhà lãnh đạo của NTC về những vấn đề mà LHQ có thể hỗ trợ trong những tháng tới.

Liên minh Bolivar dành cho châu Mỹ (ALBA) khẳng định lập trường không công nhận tính hợp pháp của NTC hay bất cứ chính quyền lâm thời nào ở Libya được thành lập dựa trên sự can thiệp của nước ngoài.

Tại cuộc họp lần thứ tư của Hội đồng chính trị ALBA diễn ra ở thủ đô Caracas của Venezuela, các nước thành viên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với quyền tự quyết của nhân dân Libya. Liên minh này cũng nhất trí sẽ chỉ công nhận một Chính phủ Libya được lựa chọn thông qua bầu cử dân chủ, không có sự can thiệp của nước ngoài. (Reuters)

THANH HẰNG

- Thông tin liên quan:

>> Ông Gaddafi bác tin đang ở Niger

>> Ông Muammar Gaddafi có thể đã trốn sang Niger?

Tin cùng chuyên mục