
Cây lúa, con heo là cây trồng, vật nuôi truyền thống của người dân xã Tân Nhựt. Nhưng mấy năm gần đây, hiệu quả kinh tế của cả hai loại cây, con chủ lực này đều thấp, chưa tính đến thiên tai mất mùa, hàng hóa dội chợ… Đời sống của người dân Tân Nhật vẫn thuộc hàng “đội sổ” trong huyện Bình Chánh. Từ thực tế ấy, Nghị quyết của Đảng bộ xã Tân Nhựt nhiệm kỳ 2005-2010 đã đề ra mục tiêu: Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc thù và thực tế ở địa phương… Nghị quyết là vậy nhưng làm cách nào để biến nghị quyết thành hiện thực?
Thay đổi tập quán canh tác
Xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh với diện tích đất tự nhiên là 2.344 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm tới 1.934 ha chủ yếu là trồng lúa, còn diện tích trồng rau màu và hoa kiểng chỉ chiếm gần 30 ha. Diện tích trồng lúa chiếm tỷ lệ cao nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, chỉ đạt 26 triệu đồng/ha/năm. Đời sống người dân luôn ở mức… nghèo nhất huyện. Chính vì lẽ đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sao cho phù hợp với tình hình thực tế là một vấn đề được đặt ra với đảng bộ và nhân dân xã Tân Nhựt.

Sau khi có nghị quyết, Đảng ủy và chính quyền xã Tân Nhựt bàn tính chuyện thực hiện. Trước hết là phải thay đổi tập quán chăn nuôi và trồng trọt của người dân trong xã.
Với lượng đất màu mỡ ven các con sông, kênh rạch, tại sao không chuyển sang trồng dừa gáo, rau xanh, cây ăn trái ngắn ngày thay vì trồng lúa; những nơi diện tích trồng lúa năng suất kém tại sao không vận động bà con chuyển qua đào ao nuôi cá giống xem hiệu quả đến đâu; rồi mai ghép, phong lan vốn một thời là “đặc sản” của Tân Nhựt, sao không mở rộng diện tích? Bàn tới bàn lui, lãnh đạo xã thấy “thông” và tiến hành triển khai ngay tới người dân.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Chủ tịch UBND xã nhớ lại: “Ngày đầu khi đi vận động bà con thu hẹp diện tích lúa, giảm đàn heo để nuôi trồng sản phẩm mới, không ít người đã phản ứng. Người ta cho rằng bấy lâu nay với cây lúa, con heo, họ đâu có đói, vậy cớ sao phải thay đổi? Chúng tôi phải phân công cán bộ xuống từng xóm ấp để thuyết phục dân. Ban đầu là gia đình đảng viên, gia đình chính sách rồi dần dần mở rộng ra những đối tượng khác. Ban đầu, chỉ vài người đồng ý, sau đó thấy việc nuôi trồng mới hiệu quả, nhiều người đã làm theo”.
Tính chuyện “cần câu” và “con cá”...
Thuyết phục được dân đã khó, hỗ trợ dân thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế mới còn khó hơn. Lãnh đạo xã phải tìm hiểu trước những mô hình làm ăn hiệu quả tại các địa phương khác rồi tổ chức cho người dân đi tham quan học hỏi. Thấy xã Phong Phú có mô hình nuôi cá chép, rô phi, mè trắng… hiệu quả, Tân Nhựt tổ chức ngay cho bà con một chuyến tham quan, học hỏi rồi mua cá giống về nuôi thả. Nghe truyền hình đưa tin về làm giàu từ nuôi cá tra ở tỉnh Hậu Giang, xã cũng tổ chức ngay một chuyến đi miễn phí cho người dân xuống tận miệt dưới để tìm hiểu.
Được sự khuyến khích, trợ giúp của xã, gia đình anh Nguyễn Thế Hùng ở ấp 3 đã biến gần 8.000m2 trồng lúa nhiều năm thiếu trước hụt sau thành ao nuôi cá. Sau chuyến tham quan mô hình nuôi cá ở Phong Phú, anh về bỏ đồng lúa, đào ao đắp bờ. Anh Hùng mua cá rô phi, chép, trắm trôi, trắm cỏ về thả trong ao nhà. Không có tiền mua giống, anh lên xã vay tiền. Sau khi dự lớp khuyến nông của xã, anh lại mua dừa giống, rau muống về trồng ngay bên bờ ao để tạo bóng mát và không khí trong lành cho chuồng trại. Lấy phân heo nuôi cá, rau muống nuôi heo, dừa bán được cũng kiếm mỗi năm trên dưới 200 triệu đồng, hơn hẳn trồng lúa trước đây. Gia đình anh thoát nghèo từ đó…
Cần học hỏi mô hình làm ăn: xã tổ chức đi tham quan; chưa có kinh nghiệm nuôi, trồng hiệu quả: xã mở lớp khuyến nông hướng dẫn; thiếu vốn mua giống: xã bảo lãnh cho vay… Đó là kiểu lo “cần câu” và “con cá” cho dân mà Tân Nhựt đã áp dụng hơn năm nay. Chưa hết, Đảng ủy và chính quyền xã còn tính đến việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân sao cho chi phí thấp nhất mà hiệu quả cao nhất. Muốn thế, phải mở đường, xây cầu để giao thương.
Lại là mô hình cũ: đảng viên đi trước… Đảng ủy và chính quyền xã vận động cán bộ, đảng viên hiến đất mở đường trước. Dân thấy “mấy ổng đã dám hiến, lẽ nào mình ngồi im”, nên cũng đăng ký tự nguyện hiến! Và 220 hộ dân đã nhất loạt đồng ý hiến đất để mở rộng đường giao thông 5 công trình trọng điểm trong xã Tân Nhựt. Cả xã có 7 bến đò ngang hoạt động phập phồng vì đò thì xuống cấp, nhu cầu đi lại lại cao…
Xã lại tính chuyện xây cầu từ vận động nguồn lực của xã hội. Và cầu treo Láng Le – Bàu Cò vừa khánh thành hồi tháng 8, có một phần đóng góp không nhỏ của bà con trong xã đã trở thành đầu mối giao thương quan trọng của người dân Tân Nhựt. Bà Nguyễn Thị Sáu, ở ấp 1 cho biết: “Nhà tôi trồng rau xanh nên hàng ngày phải đem từ sớm ra chợ bán. Trước đi bằng đò, nay có cầu, chỉ cần sắm cái xe đẩy, một chuyến là đủ, tiện quá”.
Đến nay, tại Tân Nhựt, số hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp đã đạt hiệu quả kinh tế thấy rõ. Và việc lo cho dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo “kiểu” Tân Nhựt đang thu hút sự quan tâm của rất đông bà con, nhất là những người còn có thói quen ngại thay đổi, đang “chờ xem sao”. Tâm sự với chúng tôi, nhiều người dân Tân Nhựt thuộc diện này bộc bạch: “Tụi tui đang coi, thấy cũng có lý. Nếu hiệu quả thật như vậy, trước sau gì chúng tôi cũng chuyển đổi”. Về phía Đảng ủy, chính quyền xã, ông Tuyến cho biết: “Chúng tôi đã lo được cả cần câu lẫn con cá, bây giờ chỉ còn phụ thuộc vào kỹ thuật câu của dân nữa thôi!”.
THẠCH THẢO