
Hầu hết báo cáo chuyên đề của các bộ trưởng và ý kiến thảo luận của các địa phương tại hội nghị toàn quốc đều xoay quanh “trục thời sự”: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Vì sao xảy ra? Biện pháp nào khắc phục? Mẫu số chung của các câu trả lời là vấn đề thể chế pháp luật và cơ chế chính sách…
24 dự án, công trình: Lãng phí, thất thoát 477 tỷ đồng!
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn xảy ra ở tất cả các giai đoạn đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước. Chỉ thanh tra, kiểm tra hơn 82% tổng mức đầu tư của 24 dự án, công trình (14 nghìn tỷ trên tổng số 17,1 nghìn tỷ đồng) thì sai phạm về kinh tế đã chiếm đến 14,6%; trong đó lãng phí, thất thoát là 477 tỷ đồng (bằng 3,4%).

Cầu chợ Cầu quận 12, một công trình thi công kéo dài, gây ảnh hưởng đến lưu thông của người dân. Ảnh: Đ.V.D.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và khâu chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư được cho là chiếm khoảng 70% trong tổng số thất thoát, lãng phí. Đầu tiên phải nói đến việc lựa chọn sai địa điểm đầu tư do không có quy hoạch, không theo quy hoạch hoặc quy hoạch sai.
Có đến hàng trăm tỷ đồng được đầu tư xây chợ rồi chỉ lâm vào cảnh đìu hiu “chợ chiều” như chợ xe máy Quảng An (Hà Nội), chợ An Lạc (Cần Thơ) v.v… Việc quyết định đầu tư sử dụng dây chuyền công nghệ lạc hậu cũng gây thất thoát lãng phí lớn. 2 công trình, nhà máy xử lý rác thải ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng chỉ hoạt động được 1/3 công suất và thậm chí không sử dụng được.
Thất thoát trong khâu đền bù giải tỏa thường xảy ra ở dạng khai khống số hộ được đền bù hoặc móc ngoặc để nâng giá trị đền bù, mà điển hình là công trình khôi phục và cải tạo Quốc lộ 1 bị tham nhũng gần 2,9 tỷ đồng…
Sự thất thoát, lãng phí trong xây dựng còn biểu hiện qua chất lượng kém của các công trình. Kiểm tra 186 chung cư tại Hà Nội thì 3,2% có hiện tượng thấm dột, bong vữa. Một số công trình trọng điểm cũng xảy ra sự cố về chất lượng như tình trạng sụt trượt taluy trên đường Hồ Chí Minh, cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM).
Vì sao tư vấn phải bám vào nhà thầu để... ăn?
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan (sự yếu kém, năng lực hạn chế, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong khâu quản lý, các khâu tư vấn, thi công), vấn đề cơ chế, chính sách thiếu hợp lý cũng dẫn đến tình trạng “chảy máu” ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này.
Rất bức xúc, Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình phân tích về những quy định bất cập: “Phải giải quyết ngay những vấn đề liên quan đến thể chế trong xây dựng cơ bản theo tư duy hướng về doanh nghiệp. Chúng ta phải đảm bảo cho các nhà tư vấn, nhà thầu được hưởng đúng và đầy đủ những cơ chế, chế độ mà họ cần được hưởng”.
Ông nêu một số ví dụ: theo quy định thì chi phí cho tư vấn giám sát chỉ bằng ½ so với tư vấn thiết kế trong khi công việc của khâu này kéo dài thời gian hơn, lực lượng đông hơn, vì vậy “tư vấn giám sát phải bám nhà thầu để… ăn nên không nói được”!
Quy định về mức tạm ứng theo giá trị xây lắp gói thầu bất hợp lý đến mức gói thầu giá trị thấp lại được tạm ứng nhiều hơn. Để đối phó, các chủ đầu tư đã xé nhỏ gói thầu nên dẫn đến tình trạng thi công manh mún. Rồi quy định về việc chỉ điều chỉnh trượt giá từ tháng thứ 13 -kể từ khi thực hiện hợp đồng- đã dẫn đến việc nhà thầu ngưng thi công, đợi đến tháng thứ 13 để được điều chỉnh giá, khiến thời gian thực hiện công trình kéo dài, gây lãng phí v.v…
Ông đề nghị sửa đổi quy định trượt giá được tính từ tháng thứ 2 thì mới phù hợp với sự biến động giá cả trong nước và thông lệ quốc tế.
Đấu thầu cũng có... đường dây!
Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Hoàng Hà -Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định- đề nghị cùng với các quyền lợi vật chất, phải quy định rõ trách nhiệm và chế tài đối với các nhà tư vấn.
Ông dẫn chứng từ thực tế của tỉnh nhà: “Trước đây, ít nhất 80% công trình có phát sinh. Chúng tôi ra quy định nếu phát sinh mà không có lý do khách quan thì các cơ quan tư vấn thiết kế, thẩm định và chủ đầu tư phải bỏ tiền túi ra thanh toán. Nhà nước đã tốn tiền thuê anh làm, nếu anh làm ẩu, làm dỡ thì phải đền. Ngoài ra, tôi đề nghị quy định chế tài đối với tư vấn giám sát nếu công trình có vấn đề về chất lượng”.
Ông Vũ Hoàng Hà trăn trở: Thực tế, trong đấu thầu cũng hình thành đường dây. Có “luật” cả, họ dàn xếp với nhau hết. Nào là, anh lót ổ cho tôi công trình này, công trình kia là của anh; rồi chủ đầu tư bao nhiêu %, các “chân gỗ” bao nhiêu %. Cho nên, nhiều khi đấu thầu còn tiêu cực hơn so với chỉ định thầu, xét thầu. “Đề nghị Chính phủ quy định chỉ đấu thầu theo từng loại công trình, chẳng hạn như công trình nhóm A. Các loại công trình khác thì cho xét thầu. Người phê duyệt phải chịu trách nhiệm”.
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại hội nghị: Vấn đề là phải lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đảm đương nhiệm vụ. Ngay chỉ định thầu cũng rất nguy hiểm nếu như chủ đầu tư và thi công móc nối “ăn” với nhau. Hoặc có ông bí thư tỉnh chỉ định thầu hơn 100 dự án, bây giờ để lại hậu quả rất lớn. Đúng là chúng ta phải tính, phải quy định các điều kiện về tài chính, về khoa học công nghệ, về kỹ thuật thi công đối với các đơn vị tham gia đấu thầu khi ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, đặc biệt phải rất lưu ý đến vấn đề chế tài. Chống thất thoát trong xây dựng cơ bản là một bài toán mà chúng ta phải giải, phải đạt được sự tiến bộ để lấy lòng tin của dân”. |
PHONG LAN