Đối thoại với các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Chống tham nhũng và sử dụng hiệu quả ODA là quan tâm hàng đầu của Việt Nam

Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại trực tiếp với nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. 4 nhóm vấn đề lớn được hơn 20 đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc thực hiện phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Đó là hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ; tăng trưởng và cải cách cơ cấu kinh tế; cải cách hành chính, quản trị công; xóa đói giảm nghèo.
Chống tham nhũng và sử dụng hiệu quả ODA là quan tâm hàng đầu của Việt Nam

Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại trực tiếp với nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. 4 nhóm vấn đề lớn được hơn 20 đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc thực hiện phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Đó là hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ; tăng trưởng và cải cách cơ cấu kinh tế; cải cách hành chính, quản trị công; xóa đói giảm nghèo.

Chống tham nhũng: nhiệm vụ hàng đầu!

Chống tham nhũng và sử dụng hiệu quả ODA là quan tâm hàng đầu của Việt Nam ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.
Ảnh: BÍCH HẰNG

Giải đáp thắc mắc của Đại sứ Nhật Bản Hattori, Đại sứ Phần Lan – Chủ tịch luân phiên EU Kari Alanko, Đại sứ Australia Bill Tweddell và nhiều đại biểu khác về vấn đề chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chống tham nhũng là nhiệm vụ được Chính phủ Việt Nam quan tâm hàng đầu. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng. Chính phủ VN đã lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN).

“Nhân danh Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tôi khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. ODA của các nhà tài trợ là tiền đóng góp của nhân dân các bạn và là nguồn vốn vay ưu đãi. Vì vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này để thế hệ trẻ của Việt Nam sau 30-40 năm nữa không phải lên án thế hệ trước đã vay mượn và sử dụng không hiệu quả nguồn vốn nước ngoài” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo lời Thủ tướng, Đảng, Chính phủ Việt Nam rất có trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng. Việt Nam đã có nhiều cải cách thủ tục để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, việc ban hành các luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Xây dựng… và các nghị định hướng dẫn thi hành các bộ luật này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các nhà tài trợ.

Thủ tướng cũng đề ra 5 biện pháp chống tham nhũng gồm: đẩy mạnh minh bạch, mở rộng dân chủ để nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng giám sát công tác đầu tư và sử dụng nguồn vốn, xử lý nghiêm minh phạm tội, xây dựng đội ngũ phòng chống tham nhũng, cải cách tiền lương.

Liên quan đến vụ tham nhũng ở PMU18 mà đông đảo các nhà tài trợ nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam sẽ làm đến cùng, xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội và công bố cho toàn dân biết. Các cơ quan kiểm toán của Việt Nam sẽ kiểm toán những dự án ở PMU18, nếu phát hiện sai sót sẽ yêu cầu nhà thầu sửa chữa để bảo đảm cho các công trình sử dụng vốn ODA không bị ảnh hưởng chất lượng”.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia

Việc tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh cải cách kinh tế do Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam M. Cornaro, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam M. Marine, Đại sứ Hàn Quốc Kim Eui Ki… đặt ra được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, cải cách nền kinh tế là mục tiêu sống còn của Việt Nam. Việt Nam đặt ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5%-8%/năm trong giai đoạn 2007-2010, bảo đảm nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam thúc đẩy nhanh và đầy đủ thể chế kinh tế thị trường, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hội nhập sâu rộng vào cộng đồng kinh tế quốc tế; huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội là khâu đột phá.

Chính phủ VN tạo điều kiện về thể chế, luật pháp để phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã sắp xếp, CPH được 4.000/5.800 doanh nghiệp, còn 1.800 doanh nghiệp, Việt Nam dự kiến sẽ sắp xếp CPH 600 doanh nghiệp trong năm 2007. Chính phủ đẩy mạnh cải cách ngân hàng theo hướng xây dựng ngân hàng nhà nước thành ngân hàng trung ương phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, từng bước CPH 5 ngân hàng thương mại nhà nước vào năm 2010.

Giải đáp những băn khoăn của Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam J. Hendra, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới M. Rama về cải cách hành chính công, xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam rất coi trọng cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia. Trên tinh thần đó, Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Cải cách tư pháp ở Việt Nam được tiến hành theo hướng nhà nước pháp quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế làm ăn ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam chú trọng bảo đảm công bằng xã hội, làm cho mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Trong đó, chăm lo xóa đói giảm nghèo, cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế cho người dân ở vùng sâu, xa, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%-3%/năm.

THÀNH NAM

Tin cùng chuyên mục