Giám sát, điều trị bệnh cúm H5N1 tại TPHCM

Chủ quan, lơi lỏng

Chủ quan, lơi lỏng

Năm 2003, ngành y tế TPHCM rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp - SARS. Liên tiếp 2 năm sau, ngành phải đối đầu với dịch cúm gia cầm tuýp A chủng H5N1 - bệnh lây nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, đến nay hệ thống giám sát, phòng chống và điều trị bệnh cúm vẫn chưa tạo sự yên tâm cho 8 triệu dân TP.

Kế hoạch: chẩn đoán nhanh, điều trị sớm

Chủ quan, lơi lỏng ảnh 1

Máy đo thân nhiệt duy nhất đang hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM.

Tại Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (TTKDYTQT), BS Nguyễn Văn Sáu-Giám đốc trung tâm, cho rằng, hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn tiền đại dịch - dịch xảy ra trên gia cầm và đã có lan truyền từ gia cầm sang người. Nhân viên sẽ kiểm tra, đo nhiệt độ hành khách ở chuyến bay xuất phát từ những quốc gia đang có dịch cúm gia cầm, cúm A trên người.

Khi phát hiện hành khách có triệu chứng lâm sàng (sốt cao, ho, tức ngực, khó thở), trung tâm sẽ phối hợp với y tế hàng không, công an, hải quan đưa bệnh nhân đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới.

Đơn vị chủ lực của khu vực phía Nam được Bộ Y tế phân công tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh cúm A H5N1 là BV Bệnh nhiệt đới đã có kế hoạch để trở thành BV chuyên điều trị cúm gia cầm (di chuyển toàn bộ bệnh nhân cũ sang các BV khác) khi dịch xảy ra và cùng lúc có nhiều người mắc. Bộ Y tế đã trang bị thêm cho BV gần 20 máy giúp thở, đặc biệt là máy thở cao tầng HFO, 4 máy X-quang di dộng.

BV Nhi đồng 1 TPHCM-đơn vị tiếp nhận trung bình 3.500 lượt trẻ/ngày đến khám và điều trị, cũng đã có kế hoạch dành 30 giường cách ly tại khoa nhiễm. Bộ Y tế giao cho BV Nhi đồng 1 TPHCM tổ chức huấn luyện hồi sức hô hấp bệnh nhân cúm nhi cho bác sĩ, điều dưỡng của 30 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo lãnh đạo BV Nhi đồng 1, tương tự các BV: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch…, kế hoạch đã lập sẵn trên giấy với mục tiêu: chẩn đoán nhanh-điều trị sớm, còn thực tế bệnh cúm có diễn ra phức tạp như những năm trước hay không, còn phải chờ.

Có kinh nghiệm nên... chủ quan?

Báo cáo với Sở Y tế TPHCM, BS Nguyễn Văn Sáu cho rằng, hiện nay nếu phát hiện có một hành khách nào bị sốt, nghi nhiễm cúm tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng không có một phòng nào để đưa vào cách ly. Trước đây, phía sân bay có bố trí 1 phòng, nhưng sau đó đã lấy lại để sử dụng cho việc khác. Còn về máy đo thân nhiệt, 1 máy đang hoạt động tại sân bay, 2 máy còn lại đang nằm trong kho.

Ngoài ra, trong đợt kiểm tra công tác giám sát đo thân nhiệt khách tại sân bay vừa qua, nhiều thành viên trong đoàn đã không khỏi lo lắng khi khách di chuyển từ máy bay vào khu làm thủ tục nhập cảnh có ít nhất 2 lối đi, trong khi chỉ 1 lối có máy đo thân nhiệt. Trước tình hình này, một vị lãnh đạo Sở Y tế TPHCM mới bắt đầu giật mình và thừa nhận: “Công tác giám sát trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm tại sân bay hiện nay chỉ mới dừng lại công đoạn… chữa cháy”.

Tại BV Phạm Ngọc Thạch, xem ra tình hình chuẩn bị cho công tác tiếp nhận-điều trị cho bệnh nhân cúm còn bi đát hơn. Theo Phó giám đốc BV-BS Nguyễn Đình Duy, BV đã gởi kế hoạch hành động khẩn cấp phòng ngừa và đối phó dịch cúm H5N1 lên Sở Y tế từ năm 2005.

Tổng số trang thiết bị cần thiết gồm 36 máy (máy giúp thở, monitor theo dõi, đo oxy máu, truyền dịch tự động, máy thở xách tay, X-quang tại giường…) và các loại thuốc-hóa chất trị giá gần 6 tỷ đồng. Vậy mà đến nay BV chưa nhận được bất kỳ một trang thiết bị nào. Riêng năm 2006, kế hoạch đầu tư của BV Phạm Ngọc Thạch tăng thêm trên 50 máy móc các loại và những vật tư khác với kinh phí 12 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại các trung tâm y tế quận huyện, UBND TP đã chi 10 tỷ đồng để mỗi đơn vị thiết lập 1 phòng cách ly tại khu hồi sức cấp cứu-nhằm mục đích điều trị tại chỗ, không di chuyển bệnh vào trung tâm TP. Tuy nhiên, dự án vẫn đang giậm chân tại chỗ. Tương tự, kế hoạch phối hợp nhiều lực lượng tham gia diễn tập phòng chống bệnh cúm gia cầm, đến nay chỉ duy nhất huyện Củ Chi đã thực hiện từ năm 2005. Các quận huyện còn lại đang loay hoay phác thảo kế hoạch trên giấy.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang nhìn nhận, kể từ khi ca mắc bệnh cúm A cuối cùng (khoảng giữa năm 2005) đến nay, sự chủ quan đã xuất hiện từ cấp cơ sở đến lãnh đạo sở. Công tác giám sát, phòng chống dịch có phần lơ là.

Hiện nay, tuy ngành y tế TP đã có kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị bệnh cúm gia cầm, nhưng trước diễn tiến của bệnh ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn, với vai trò quản lý nhà nước và thực hiện công tác chuyên môn, ngành y tế phải chuyển động, không được phép chủ quan như trước. 

NGỌC TRƯỚC

 

Tin cùng chuyên mục