
Mấy ngày qua, có khá nhiều thông tin ngược nhau về việc Thanh tra Sở BC-VT TPHCM đề nghị Công ty VinaGame ngừng cung cấp dịch vụ game online trên Internet bởi không có giấy phép OSP (cung cấp dịch vụ ứng dụng trên Internet) do Bộ BC-VT cấp. Để làm rõ vấn đề này, hôm qua, 26-10, phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ BC-VT Lê Nam Thắng và Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị.
Thứ trưởng Bộ BC-VT Lê Nam Thắng: Việc cấp OSP không thuộc thẩm quyền của Bộ BC-VT
- Phóng viên: Thứ trưởng có ý kiến như thế nào về việc Thanh tra Sở BC-VT TPHCM đề nghị VinaGame ngừng cung cấp dịch vụ game online mà họ đang triển khai, trong đó có trò chơi “Võ lâm truyền kỳ” khá nổi tiếng?

- Thứ trưởng LÊ NAM THẮNG: Thực ra đây mới chỉ là dự kiến của Sở BC-VT TPHCM sau khi tiến hành thanh tra VinaGame. Chuyện này sở cũng đã có báo cáo và xin ý kiến của bộ. Hiện tại, chưa hề có quyết định nào về việc xử phạt hay buộc VinaGame phải ngừng cung cấp dịch vụ game online.
- Ông nghĩ sao về việc VinaGame chưa được bộ cấp giấy phép OSP?
- Trong Nghị định 55 ban hành năm 2001 về quản lý, sử dụng và cung cấp dịch vụ Internet đã nói rõ, OSP là những dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet và có nhiều nội dung khác nhau, tùy theo nội dung của OSP đó mà việc cấp phép thuộc bộ, ngành nào. Ví dụ: OSP liên quan đến lĩnh vực y tế sẽ do Bộ Y tế quản lý... Bộ BC-VT chỉ cấp giấy phép OSP ở lĩnh vực viễn thông.
Trong khi đó, dịch vụ game online không phải là lĩnh vực viễn thông. Tôi chưa rõ, liệu quá trình thanh tra của Sở BC-VT TPHCM còn phát hiện ra những sai phạm nào của VinaGame, nhưng nếu chỉ dựa vào vấn đề giấy phép OSP do Bộ BC-VT cấp để buộc VinaGame ngừng cung cấp dịch vụ game online là không đúng!
- VinaGame đã xin cấp giấy phép OSP, nhưng giấy phép này chỉ được cấp cho những doanh nghiệp đã hoạt động được hai năm, trong khi VinaGame mới hoạt động được 1 năm, vì thế chưa được cấp...
- Nếu xin giấy phép OSP ở lĩnh vực viễn thông thì đúng là phải theo thủ tục đó. Nhưng chưa bao giờ Bộ BC-VT xem VinaGame là doanh nghiệp hoạt động cần phải có giấy phép OSP. Bộ cũng chưa bao giờ nhận được đơn hay hồ sơ xin cấp OSP của VinaGame. Thú thực nếu có nhận, thì chúng tôi cũng không thể giải quyết được, bởi không thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của Bộ BC-VT.
- Như vậy, các dịch vụ game online thuộc bộ ngành nào quản lý?
- Từ trước đến nay, vấn đề game với những nội dung của game đều do Bộ VH-TT quản lý. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh game online là vấn đề khá mới mẻ đối với các cơ quan chức năng Việt Nam. Ngay trong Pháp lệnh BC-VT cũng như trong Nghị định 55, rồi nhiều văn bản pháp quy khác, chúng ta hoàn toàn chưa đề cập đến dịch vụ game online.
Việc xử lý VinaGame cũng như câu chuyện quản lý game online hiện nay, cần phải làm rõ 2 điều: game online thuộc dịch vụ OSP ở lĩnh vực nào và cơ quan nào sẽ trực tiếp quản lý dịch vụ này! Game online cũng vậy, chúng ta không thể vì chưa có tiền lệ, hay không quản lý được thì cứ cấm đoán.
Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị: Các cơ quan quản lý cần phải ngồi lại với nhau
- Phóng viên: Theo Bộ trưởng, chúng ta phải quản lý game online ra sao?

- Bộ trưởng PHẠM QUANG NGHỊ: Nên lắng nghe những ý kiến băn khoăn, lo lắng của các tầng lớp nhân dân về những tác động tiêu cực của hoạt động này, chứ không nên chỉ thiên về cái lý là phát triển loại hình trò chơi trực tuyến vì nhu cầu giải trí.
Tuy nhiên, cũng không nên để nhiều người hiểu lầm rằng biện pháp quản lý của Nhà nước đưa ra đối với trò chơi trực tuyến như là Nhà nước “dị ứng” với nó. Nhà nước có đưa ra các biện pháp quản lý đều vì nhu cầu chính đáng của nhân dân. Game online dù là hấp dẫn, không có hại, nhưng cũng không thể để diễn ra như hiện nay.
Các cơ quan quản lý sẽ bàn với nhau trong vài ngày tới để vừa xử lý khẩn trương, vừa tránh cực đoan, một chiều. Tôi cho rằng trước khi ban hành một chính sách thì phải nghiên cứu cho thấu đáo, thận trọng. Hiện chúng tôi đã giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý của nhiều nước để áp dụng vào trường hợp cụ thể ở nước ta.
- Các công ty như Vina-Game đang kêu chuyện họ cũng rất muốn đăng ký để làm đúng các thủ tục của Nhà nước song việc tạo cơ chế, điều kiện cho họ lại rất chậm và rất khó…
- Đó là công việc thuộc trách nhiệm của Bộ BC-VT. Nhưng vì lĩnh vực này quá mới mẻ, mà khi nhập vào họ lại không quan tâm tìm hiểu xem luật lệ của mình quy định ra sao, đã có quy định hay chưa. Và nếu chưa có thì phải theo trình tự, thủ tục thế nào…
- Nhưng hiện nay hệ thống luật của chúng ta chưa có quy định về hoạt động này, bởi vậy không thể cấm được?
- Đôi khi có những việc pháp luật không cấm nhưng những người làm bất cứ nghề gì cũng phải xem xét, căn cứ trên góc độ trách nhiệm xã hội và đạo đức: nên hay không nên? Có cái quy định cụ thể bởi luật, nhưng có cái phải theo quy ước xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Không thể nói cái đó tôi thấy không có quy định cho nên cứ thế làm. Cũng có việc luật không quy định thì được làm.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Vina Game cho biết: Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra là cơ quan quản lý nhà nước bắt buộc Vina Game phải có giấy phép OSP thì công ty chọn giải pháp liên kết với một doanh nghiệp có giấy phép OSP để tiếp tục hoạt động. Công ty cần một lộ trình, một khoảng thời gian nhất định để tiến hành việc xin giấy phép OSP. |
NHÓM PV