
Sau 6 tháng thi công, công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư đã gây thiệt hại nhiều vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, dâu, mít hạt lép…ở xã Nhị Bình huyện Hóc Môn. Giá trị thiệt hại không chỉ tính bằng tiền…
- Vườn cây ăn trái không còn cho trái

Vườn cây sầu riêng của bà Huỳnh Thị Thì chết vì bị thối gốc do ngập úng, ô nhiễm.
Từ lâu xã Nhị Bình được xem như ốc đảo xanh của huyện Hóc Môn với cây trái quanh năm. Thế nhưng từ khi công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn đi ngang qua địa phương này được khởi công 2 tháng thì các vườn sầu riêng, măng cụt đang xanh tốt, cho hoa trái bỗng rụng lá, khô cành. Điển hình như vườn sầu riêng của bà Huỳnh Thị Thì ở ấp 4 đã có “thâm niên” mấy chục năm nay, năm nào cũng trĩu quả, giờ chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Thì nói trong nước mắt: “Tôi chỉ có 35 cây sầu riêng cho thu nhập 10 triệu đồng/năm. Cả nhà tôi sống nhờ vào vườn cây đó mà nay đã chết hết rồi”. Quay quắt với vườn cây đã chết, bà Thì như muốn trút nỗi bức xúc của mình. Theo chân của bà, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Hồng cũng ở ấp 4. Vườn nhà chị còn đọng những vũng nước như trâu tắm và từng đống lá mít đang phân hủy.
Chị Hồng than thở: “Từ khi công trình thi công đến nay, nước ứ đọng trong khu dân cư và nhất là trong các vườn cây ngày một ô nhiễm. Nước chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc, cả nhà tui ai cũng bị nhức đầu và buồn nôn vì hít phải mùi này”. Không những vườn bà Thì, chị Hồng mà hàng chục vườn cây ăn trái, hoa màu khác có giá trị kinh tế cao ở xã Nhị Bình như vườn xoài của ông Lê Văn Nghị, vườn hoa màu của chị Nguyễn Thị Bảy ở ấp 1, của ông Nguyễn Phúc Bền…cũng đã khô cành, thối gốc.
Chưa hết, điều khiến bà con nông dân xã Nhị Bình lo lắng nhất hiện nay là hàng chục hécta lài đang có nguy cơ bị chết vì nước ứ đọng lâu ngày làm thối rễ. Chẳng hạn ở khu vực rạch ông Mười Mậu, các khu vực ấp 1, ấp 4 với cả chục hécta lài đang bắt đầu rụng lá hàng loạt. Trong khi bà con nông dân trông cậy vào cây lài như cây xóa đói giảm nghèo.
- Trách nhiệm của ai?
Ngày 27-4-2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Quyết định số 1750 QĐ/BNN-XDCB phê duyệt Dự án khả thi Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn. Đến năm 2003, công trình được đưa ra đấu thầu thi công. Hạng mục “Đê bao và công trình dưới đê bao ven sông Sài Gòn đoạn 2 (K0 + 000 ¸ K2 + 400)”, gói thầu số 5 (1E) tại xã Nhị Bình huyện Hóc Môn do Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng (IDI) trúng thầu.
Còn hạng mục “Đê bao và công trình dưới đê bao ven sông Sài Gòn đoạn 2 (K2 + 400 đến K4 + 438), gói thầu số 6 (1G) cũng ở Nhị Bình do Công ty Tư vấn và Đầu tư kỹ thuật cơ điện (AGRINCO) trúng thầu. Cả hai đơn vị thi công này đều được lệnh khởi công vào ngày 30-10-2003. Thế nhưng, sau khi khởi công đắp đê quai ngăn nước từ các con rạch, các đơn vị thi công để vậy cho đến cả tháng sau mới thi công tiếp. Do đắp đê quai ngăn rạch nên nước không còn lối thoát và ứ đọng lại, tràn lên các vườn hoa màu, cây ăn trái.
Cụ thể là tại rạch ông Mười Mậu, rạch Bảy Nhị, AGRINCO đã đắp đê quai khiến ngập úng nặng cho các khu dân cư xung quanh. Kênh dẫn dòng cầu Nhum không thoát nước kịp gây ngập úng trên diện rộng ở ấp 1. Đáng nói là việc thi công phần cống không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến thiệt hại cây trái của người dân như tại đoạn cống SG24A, SG24B… Không những vậy, ngày 2-3-2004, ban Thanh tra nhân dân xã Nhị Bình đã tiến hành thanh tra một số hạng mục công trình tại ấp 1 và 4 đã phát hiện cừ tràm nền hạ các cống rạch để lâu quá khô nên đóng xuống công trình bị hư mục; cống đúc bằng xi măng cốt thép chưa đạt yêu cầu…
Trước sự thi công ẩu của các đơn vị, gây thiệt hại cho người dân, chính quyền xã Nhị Bình đã nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư và các đơn vị thi công nhưng vẫn bị làm ngơ. Ngày 17-5-2004, UBND xã Nhị Bình đã tổ chức cuộc họp mời đại diện AGRINCO. Tại cuộc họp, ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình yêu cầu AGRINCO tháo dỡ đê quai vào thời gian nhất định để cho nước rút và sớm có biện pháp khắc phục; phải bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại. Ông Tới cho biết: “Người dân quá bức xúc nên cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Trên cương vị chủ tịch xã, tôi đã kiến nghị nhiều lần với đơn vị thi công và đã có các cuộc khảo sát thực tế, tìm biện pháp tháo gỡ. Đến nay các đơn vị thi công đang bàn kế tìm biện pháp khắc phục. Nhưng điều cần bây giờ là bà con phải được bồi thường hợp lý”.
Mục đích của công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn là để ngăn lũ và triều cường cho 3.560 ha hoa màu cho 4 quận, huyện là Củ Chi, Hóc Môn, 12, Gò Vấp. Thế nhưng lợi thì chưa thấy mà trước mắt đã gây thiệt hại quá lớn cho bà con nông dân. Vậy mà, việc khắc phục lại vẫn đang bàn bạc, còn bà con thì khốn đốn mong chờ đền bù. Trách nhiệm này của ai?
TƯỜNG LÂM - MAI THI