
Trước hàng loạt giá đầu vào (xăng, nguyên liệu, ngoại tệ,…) tăng, nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều tìm đối sách nhằm duy trì doanh thu, giữ vững uy tín lẫn giá trị thương hiệu.
Ông Lê Đăng Minh, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Toàn Mỹ:

Trong những ngày gần đây, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại Co-opMart vẫn chưa tăng
Nhà sản xuất hàng tiêu dùng chúng tôi đang đứng trước bài toán khó buộc phải tìm cho ra đáp số: xăng dầu tăng giá, nguyên liệu đầu vào (đồng, thiếc, kẽm, inox,…) tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, đẩy giá thành sản phẩm tăng tương ứng, cụ thể là tăng 23,8%.
Mới hôm qua đây thôi, Ban giám đốc chúng tôi đã có cuộc họp để tìm cách giải bài toán trên. Trước mắt, toàn bộ các sản phẩm của Toàn Mỹ (bồn nước, kệ bếp, máy bơm nước, máy hút khói, lavabo, vòi nước,…) vẫn giữ nguyên giá từ nay cho đến hết tháng 5-2006.
Trong khi đó, bằng mọi cách, chúng tôi cố gắng giảm tối đa các chi phí để có giá bán ra ít tăng nhất như: tổ chức họp online, trao đổi ý kiến trên mạng giữa Ban tổng giám đốc với giám đốc các chi nhánh ở các tỉnh- thành (tiết kiệm tiền vé máy bay đi về, tiền ở khách sạn); thông tin trao đổi chủ yếu bằng e-mail, giảm tối đa việc in ấn giấy tờ, tài liệu.
Về tổ chức sản xuất, bộ phận kỹ thuật hạn chế phế liệu ở mức thấp nhất, cố gắng thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ phế phẩm xuống bằng không. Tóm lại, rà soát lại tất cả mọi chi phí, song không để ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động cũng như chất lượng sản phẩm, chi phí dịch vụ sau bán hàng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh thủy hải sản TPHCM-APT:
Do công ty luôn có lượng hàng dự trữ trong kho, nên ít nhất 2 tuần nữa chúng tôi mới tính đến chuyện thay đổi giá các loại thực phẩm chế biến đang được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng cũng như giá cung cấp cho bếp ăn tập thể cơ quan, xí nghiệp.
Chúng tôi xem trọng việc bảo vệ giá trị thương hiệu, không thể chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Thương hiệu APT với hơn 40 chủng loại đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi đang chờ những chuyến tàu đánh bắt về để tính toán việc điều chỉnh giá hàng sắp tới. Với giá nguyên liệu tăng 7%-9%, chúng tôi sẽ xem xét các khoản phí để có thể chỉnh giá lên không quá 3%-4%.
Song song với những sản phẩm chế biến từ hải sản đánh bắt, công ty cũng đã có kế hoạch sản xuất thêm mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến mới theo quy trình khép kín nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu và có giá thành hạ (nuôi thêm cá điêu hồng, ếch thịt Thái Lan,…).
Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co-op, Giám đốc chuỗi siêu thị Co-opMart:
Trước tình hình xăng dầu lên giá, nhìn chung, nhiều nhà sản xuất cũng như nhà cung cấp luôn cố gắng tối đa để duy trì mức giá cũ. Hơn nữa, theo hợp đồng đã ký giữa Sài Gòn Co-op với các nhà cung cấp, muốn điều chỉnh tăng giá, cần phải có thời gian và doanh nghiệp phải có sự bàn bạc, thống nhất với nhà phân phối.
Trong đợt này, hầu hết nhà cung cấp cho hệ thống 15 siêu thị Co-opMart đã tỏ ra thận trọng và bình tĩnh, đến ngày 12-5, vẫn chưa có nhiều đề nghị điều chỉnh tăng giá. Ban Tổng Giám đốc Sài Gòn Co-op cam kết với khách hàng: tìm cách để bảo đảm tỷ lệ tăng giá bán ra không ngang bằng với tỷ lệ tăng giá của nhà cung cấp. Với mục tiêu hành động trở thành “Bạn của mọi nhà”, Sài Gòn Co-op chấp nhận giảm lãi để giá bán ra được khách hàng chấp nhận và cạnh tranh được trên thị trường.
Ông Huỳnh Quốc Bảo, Đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây:
Quý 2 là mùa thấp điểm nhất trong năm, sức mua rất thấp nên đa số các tiểu thương ở chợ chúng tôi hiện nay đều cố gắng kìm giá để giữ chân khách hàng. Dù ngay từ đầu tháng 5, giá đầu vào một số mặt hàng đã tăng nhẹ nhưng do còn hàng tồn nên chợ chưa điều chỉnh giá..
Tuy nhiên, theo các tiểu thương, giữa tháng 5 này sẽ có một số mặt hàng tiêu dùng, sản phẩm bằng nhôm, nhựa, kim loại… phải điều chỉnh tăng theo giá xăng dầu, nhưng sẽ không vượt quá 3%. Là một chợ sỉ, luôn phải giữ cho mình nhiều bạn hàng ruột, cực chẳng đã tiểu thương ở chợ Bình Tây mới phải nâng giá bán.
ĐÀM THANH-MAI THI