Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận Dự án Luật Bình đẳng giới

Chưa xác định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ

Hôm qua, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Bình đẳng giới. Quy định về tuổi nghỉ hưu của nữ vẫn là điểm “nóng” trong dự luật này. Các đại biểu trình bày nhiều ý kiến khác nhau về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.

Dẫn quy định của Hiến pháp: “Công dân nam, nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt”, đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa) cho rằng, quy định hiện hành lao động nữ về hưu trước nam giới 5 tuổi là sự “mập mờ giữa bình đẳng và ưu tiên”. Theo bà Nga, xu hướng chung của luật quốc tế là đang có sự điều chỉnh để dẫn đến có sự bình đẳng về độ tuổi lao động giữa nam và nữ. Việt Nam khi đã tham gia nhiều điều ước, công ước quốc tế thì càng không nên đứng ngoài xu hướng này. Vì thế, bà Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp cận vấn đề này một cách tổng thể, ví như mở một cuộc điều tra xã hội học xem ai đồng ý, ai phản đối việc để nam, nữ về hưu cùng tuổi.

Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, không nên quy định “cứng” rằng lao động nữ có nguyện vọng mới được nghỉ, vì đây là quyền của lao động nữ. Trong khi đó, đại biểu Trần Hồng Việt (Cần Thơ) đưa ra con số thống kê trong một cuộc thăm dò nhỏ: gần như tất cả giáo viên nữ đều muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 55, và có tới trên 805 số nữ công chức trong các cơ quan hành chính cũng muốn nghỉ hưu ở độ tuổi này. Vì thế, ông Việt nói rằng vấn đề này nên để Chính phủ quy định, bởi theo ông việc này cần được tính toán khoa học trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục