Chiều 12-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH). Những câu hỏi nêu ra liên quan đến các nhóm vấn đề: giải pháp hâm nóng thị trường bất động sản (BĐS); chất lượng công trình xây dựng nói chung, trong đó có đập thủy điện; chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị; tiêu cực trong ngành xây dựng...
Quan tham mong... bão
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu nhận định: Chất lượng các công trình xây dựng là mối quan ngại lớn của xã hội, đặc biệt là nhà ở tái định cư, công trình thủy điện… Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này? Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều ĐBQH khác, trong đó có ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): “Chất lượng công trình luôn gắn với lãng phí, tham nhũng. Bão Sơn Tinh vừa qua đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng công trình. Bão là nỗi sợ hãi của người dân nhưng lại được các quan tham mong chờ để xóa dấu vết của những sai phạm!”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hỏi thêm: “Đồng chí đánh giá chất lượng xây dựng hiện nay như thế nào?”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết cả nước đang có 54.000 công trình đang đầu tư, cơ bản kiểm soát được chất lượng, dù thực tế cũng có công trình có sự cố, nhưng chủ yếu xảy ra ở các công trình dân tự xây. Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ soạn thảo Nghị định về tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Tuy không đưa ra giải pháp gì thuộc loại đột phá, nhưng văn bản pháp quy này phân định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với các loại công trình đầu tư, kể cả bằng vốn ngân sách và từ nguồn đầu tư xã hội. Riêng công trình đầu tư bằng vốn nhà nước phải được kiểm soát cả về chi phí, chủ đầu tư trước khi phê duyệt phải trình cơ quan có trách nhiệm thẩm định. “Tức Nhà nước sẽ tiền kiểm, nếu không đủ khả năng kiểm định thì chỉ định cơ quan có năng lực kiểm định, tránh việc chủ đầu tư thông đồng với tư vấn, khảo sát, nhà thầu rút ruột công trình” – bộ trưởng giải trình.
Không thất thoát, chỉ sai sót
ĐB Lê Thị Nga thẳng thắn: “Quản lý nhà nước về BĐS vừa qua kém hiệu quả. Những “quả đấm thép” của nền kinh tế chưa làm tốt việc chính của mình cũng nhảy vào lĩnh vực BĐS. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nêu cụ thể: “Ngành xây dựng có Tập đoàn Sông Đà sai phạm lớn về tài chính tới 10.676 tỷ đồng. Việc bổ nhiệm ông Dương Khánh Toàn làm Chủ tịch HĐQT gây xôn xao dư luận. Bộ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về tổ chức của Sông Đà. Vậy trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào?”. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) tiếp tục: “Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về Sông Đà, bộ trưởng đã chỉ đạo xử lý đến đâu? Ngành có những công ty nào “đồng dạng phối cảnh” với Sông Đà”?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, trong việc quản lý, điều hành thị trường BĐS, cả nhà nước lẫn doanh nghiệp đều chưa có nhiều kinh nghiệm. Với Sông Đà, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận hình thức xử lý ông Dương Khánh Toàn là chưa đến mức phải kỷ luật. Bộ đã yêu cầu Tập đoàn Sông Đà tự kiểm điểm cán bộ và sẽ theo dõi, có ý kiến tiếp... Nhưng 10.676 tỷ đồng ở Sông Đà không phải thất thoát, chỉ sai sót về nguyên tắc sử dụng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết qua kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, Tập đoàn Sông Đà đã có phương án khắc phục vi phạm được khoảng 5.000 tỷ đồng, đang xin chủ trương các bộ ngành để tiếp tục xử lý hơn 5.000 tỷ đồng nữa. Việc xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân vẫn tiếp tục tiến hành... Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc bộ trưởng về việc làm rõ liệu có hay không những doanh nghiệp nhà nước trong ngành cũng đang “ốm yếu” như Sông Đà. Một chất vấn khác cũng đang đợi bộ trưởng nói rõ trách nhiệm của ngành về kiểm định chất lượng xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2.
| |
ANH THƯ