“Tôi, Nguyễn Văn Mười (tức Nguyễn Văn Linh), hiện là Bí thư Thành ủy TPHCM. Cuối năm 1954, tôi là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và ở bí mật trong thành. Tổ chức có điều động đồng chí Phạm Văn Hoa (và cả vợ đồng chí ấy) vừa lo bố trí địa điểm ở cho tôi, vừa lo bảo vệ tôi. Đồng chí Hoa đã làm nhiệm vụ rất tốt…”. Đó là một phần nội dung trích trong Giấy chứng nhận tờ khai lý lịch của ông Phạm Văn Hoa do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết ngày 3-3-1976.
Lần theo nội dung của tờ giấy chứng nhận đã ố vàng, phóng viên Báo SGGP đã ghi lại câu chuyện về những ngày hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn của vị chỉ huy dưới sự bảo vệ của một đảng viên hoạt động đơn tuyến: Ông Sáu Hoa.
Đang là cán bộ Thành đoàn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong, năm 1954, ông Sáu Hoa nhận được lệnh tách khỏi chi bộ kèm theo một yêu cầu: Không được móc nối hay liên hệ với bất cứ đồng chí nào của bên mình, không được dính dáng gì tới những mối quan hệ cũ để chờ nhận công tác khác.
Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, ông được tổ chức giao 80.000 đồng để tìm mua một căn nhà ngay trong nội thành nhưng vẫn phải đảm bảo bí mật để làm cơ sở cách mạng. Sau nhiều ngày lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm, cuối cùng, ông chọn được một căn nhà nhỏ ở gần khu chợ Bàn Cờ (nay là đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM). Mua nhà xong, ông không dám kêu thợ mà tự mình sửa chữa để bảo đảm bí mật.
Sửa nhà xong ít lâu thì vợ chồng ông nhận chỉ thị đón tiếp một vị khách đặc biệt. Đó là một người đàn ông trung tuổi, chân mày đậm, mắt sáng và hiền, nói tiếng Bắc, giọng trầm ấm. Nhìn qua căn nhà một lượt, người khách khẽ gật đầu. Rồi bắt chuyện:
- Chú thứ mấy?
- Dạ, thứ sáu
- Cứ gọi tôi là anh Sáu nghe. Ai hỏi thì nói tôi là anh vợ của chú.
Thật ra, Sáu Hoa đã nhận ra người khách này ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó chính là anh Mười Cúc. Trước đó mấy năm, ông được chọn đi dự lớp bồi dưỡng chi ủy viên do Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức. Anh Mười Cúc cũng tham gia giảng dạy. Hôm đó, sau khi giảng về công tác phòng gian nội bộ, anh Mười hỏi: “Như vậy, khi hoạt động trong nội thành, các đồng chí có tin tưởng ai hoàn toàn không?”.
Sáu Hoa xin phát biểu ý kiến: “Đồng chí giảng viên đã cho tôi thấy được tầm quan trọng của vấn đề phòng gian nội bộ nên tôi sẽ không tin ai hoàn toàn. Ngay như đồng chí giảng viên, tôi cũng chỉ tin có chín phần mười thôi!”. Cả lớp học cười ồ. Mấy ngày sau, khi anh Mười có giờ lên lớp, đích thân lớp trưởng đại diện lớp lên xin lỗi. Lúc đó anh Mười chỉ cười và khoát tay: “Không sao, đồng chí 20 có lý của đồng chí ấy!” (20 là bí số của Sáu Hoa).
Nhớ lại chuyện cũ, Sáu Hoa thấy ngượng ngùng. Ông chủ động bắt chuyện: “Hồi đó tui phát biểu trong lớp như vậy, anh Sáu (ông Mười Cúc bây giờ được gọi với bí danh anh Sáu - PV) có giận tui không?”. Anh Sáu không trả lời ngay mà đọc luôn một bài vè mà Sáu Hoa đã làm trong lớp học ngày đó.
Đọc xong anh Sáu nói: “Tôi còn nhớ cả bài vè của chú thì làm sao mà giận chú được. Chú đã chân thành nói thẳng suy nghĩ của mình trước tập thể. Tôi đánh giá chú là một đảng viên chính trực, không xu nịnh, màu mè. Tôi mến chú!” Thái độ cởi mở, độ lượng, vừa dân chủ lại vừa rất nguyên tắc đó của anh Sáu đã làm cho Sáu Hoa vô cùng biết ơn.
Một buổi chiều, đang ăn cơm, Sáu Hoa đem chuyện mình dành dụm được một số tiền, đang muốn mua lại chiếc mô tô cũ để tiện cho việc đi lại ra hỏi ý anh Sáu. Anh Sáu chú ý nghe rồi mỉm cười đồng ý. Mấy ngày sau đó, Sáu Hoa đưa về chiếc mô tô sơn đỏ. Anh Sáu khen chiếc mô tô còn tốt.
Bữa nọ, thấy Sáu Hoa đang hì hụi lau chùi chiếc mô tô, anh Sáu bước tới và nói: “Tôi cũng thích cái xe này quá! Chú để tôi đi thử một đoạn đường được không?”. Sáu Hoa phân vân vì loại xe này chạy ra đường rất dễ bị bọn cảnh sát thổi lại để hỏi bằng lái, giấy tờ, mục đích là muốn ăn tiền. Người như anh Sáu mà dây dưa với cảnh sát là không ổn. Thấy Sáu Hoa ngần ngừ, anh Sáu nói tiếp:
- Mấy bữa nay tôi có đi thử nhưng chỉ đi trên đường vắng. Giờ tôi muốn đi trên đường đông thử xem phản xạ của mình thế nào.
Sáu Hoa dặn:
- Vậy anh chỉ nên chạy một đoạn thôi. Gần tới bùng binh, anh tắt máy đứng chờ tôi. Chỗ bùng binh nhiều lính…
Anh Sáu gật đầu rồi leo lên xe, sang số chạy ra khỏi cổng. Sáu Hoa nhảy lên xe đạp chạy theo, vừa chạy vừa lo. Tới đúng chỗ hẹn, Sáu Hoa thấy anh Sáu đang dừng xe đứng đợi mình giữa trời nắng gắt.
Đột nhiên, một cảm xúc dâng trào trong ông. Sáu Hoa thương vị lãnh đạo cấp cao mà chỉ một sở thích bình thường, nhỏ nhoi thôi cũng phải hạn chế. Sáu Hoa càng thương hơn khi thấy anh Sáu tuy giữ chức vụ cao nhưng luôn tôn trọng và giữ lời hứa với cấp dưới.
Đoàn Khắc
(Ghi theo lời kể của ông Phạm Văn Hoa, nguyên cán bộ
Cơ quan T78 thuộc Ban Tài chính - Quản trị Trung ương)