Có dấu hiệu thông đồng pha acetone vào xăng

Có dấu hiệu thông đồng pha acetone vào xăng

Tại sao lại có acetone trong xăng? Mục đích pha acetone vào xăng là gì và acetone có trong xăng là lợi hay hại? Đó là những vấn đề được các nhà khoa học mổ xẻ trong buổi tọa đàm sáng 22-9.

  • Thử nghiệm pha acetone?

Có dấu hiệu thông đồng pha acetone vào xăng ảnh 1

Ông Kiều Đinh Kiểm (Petrolimex Việt Nam) phân bua về việc các nước châu Âu cho phép hàm lượng acetone chiếm 0,8% thể tích khiến các nhà khoa học phản ứng.

Việc có acetone trong xăng là không thể chối cãi khi mà chính các nhà cung cấp xăng (Công ty Glencore- Singapore) cho Công ty Xăng dầu Quân đội và Petrolimex cũng thừa nhận điều đó.

Điều đáng ngạc nhiên là qua phân tích của GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn (Trung tâm Đào tạo và Phát triển sắc ký TPHCM) thì mẫu xăng nào có acetone thì không có MTBE (một chất phụ gia làm tăng chỉ số octan) và ngược lại. “Phải chăng các nhà sản xuất đã thay thế MTBE bằng acetone mà chúng ta không biết bởi về nguyên lý thì acetone cũng có khả năng làm tăng chỉ số octan như MTBE?”.

 GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn đặt nghi vấn. Bằng chứng là một số nước như Úc, Mỹ đã ngưng sử dụng MTBE pha vào xăng bởi qua một số nghiên cứu cho thấy MTBE có khả năng gây ung thư. Theo nhận định của các nhà khoa học, nếu bỏ chất phụ gia này thì acetone (có tính chất hóa lý tương tự) sẽ là phụ gia được thay thế. Do đó, có thể 2 lô xăng mà Công ty Xăng dầu Quân đội và Petrolimex nhập về là bước thử nghiệm của các nhà cung cấp xăng dầu nước ngoài?

  • Chưa có quy định tiêu chuẩn acetone trong xăng

GS-TSKH Hồ Sĩ Thoảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, cho biết lâu nay acetone không được liệt vào danh mục các chất phụ gia trong xăng. Tuy nhiên, acetone đã được dùng từ những năm 1930 như chì nhưng mang tính chất riêng lẻ chứ chưa thử nghiệm ở cấp quốc gia.

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Phó Chủ tịch Hội Ô tô và thiết bị động lực, thừa nhận acetone đã được pha vào xăng, dầu diesel từ lâu nhưng chưa được sử dụng phổ biến. Theo phân tích của PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, acetone cho vào xăng ở một hàm lượng cho phép thì có lợi vì acetone là hợp chất oxy làm tăng chỉ số octan, cải thiện chống kích nổ, tiêu hao nhiên liệu ít, giảm thải ô nhiễm, tăng tuổi thọ cho máy.

Qua thực nghiệm của các nhà khoa học trên thế giới thì cho acetone vào xăng còn làm tăng quãng đường xe đi được trung bình từ 15-35%. Như vậy theo lý giải của các nhà khoa học thì acetone pha vào xăng là có lợi nếu ở hàm lượng cho phép.

Vậy hàm lượng bao nhiêu thì có lợi? GS-TS Chu Pham Ngọc Sơn dẫn chứng từ nghiên cứu của các nhà khoa học là ở mức 0,78ml/1 lít xăng, acetone không ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị, kể cả pongtu xe gắn máy. Theo tài liệu của nước ngoài thì với hàm lượng acetone từ 0,2- 0,5% thể tích hoàn toàn có lợi cho động cơ.

Còn theo trích dẫn của ông Kiều Đinh Kiểm (Trưởng phòng Kỹ thuật xăng dầu- Petrolimex Việt Nam) từ tài liệu nước ngoài thì từ năm 1985 châu Âu đã cho phép trong dòng xăng pha chế (hiện trên thị trường thế giới có 2 dòng xăng: xăng từ nhà máy và xăng qua pha chế) hàm lượng acetone ở mức 0,8% thể tích.

Tuy nhiên, GS-TSKH Hồ Sĩ Thoảng cùng một số nhà khoa học khác đã phản bác điều này bởi chưa nhận thấy có một quy định nào cho phép hàm lượng acetone cao như vậy? Ngay như Mỹ - nước sử dụng xăng pha lớn nhất thế giới - vẫn chưa có quy định về hàm lượng acetone trong xăng. Do đó, các nhà khoa học cho rằng Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng không nên quy định tiêu chuẩn acetone trong xăng.

  • Có sự thông đồng?

TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Người tiêu dùng TPHCM, cho rằng việc 2 công ty nhập khẩu xăng có acetone dù cố ý hay vô tình thì cũng đã làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Hơn nữa, TS Nguyễn Mộng Hùng loại bỏ nhận định là xăng pha acetone được thử nghiệm ở Việt Nam mà có thể là chủ ý của các công ty nhập khẩu thông đồng để pha acetone vào xăng?

Còn nhằm mục đích gì vẫn là bí ẩn cần các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. GS Trần Mạnh Trí cũng loại bỏ khả năng thử nghiệm pha actone vào xăng vì thương phẩm đã bán thì không thể chấp nhận thử nghiệm. GS Trần Mạnh Trí đề nghị các nhà khoa học cần lên tiếng mạnh mẽ và cơ quan chức năng cần có thái độ nghiêm khắc với những nhà cung cấp, đồng thời làm rõ vấn đề có sự chủ ý hay không. 

TƯỜNG LÂM

Thông tin liên quan

Chưa tái xuất được 16.000m3 xăng pha aceton 

9/28 mẫu xăng có chứa aceton

Xăng pha aceton rất độc hại

Có phải gian lận thương mại?

Tin cùng chuyên mục