
Thời gian gần đây, Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục nhận được đơn, thư phản ánh tình trạng cò ngày một gia tăng trước cổng Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh.
Nhiều bệnh nhân sập bẫy
Sáng ngày 24-10, chị N.T.T.V. ở Lộc Ninh tỉnh Bình Phước được người nhà chở đến Bệnh viện Da liễu TP khám bệnh. Vừa đến cổng, một số thanh niên vây lấy và bảo hôm nay bệnh viện chỉ khám cho những người có sổ bảo hiểm, rồi chỉ chị V. đến một phòng khám ở đường Ngô Thời Nhiệm quận 3 để khám ngoài giờ. Khám xong, nơi đây đưa một mớ thuốc màu đỏ, xanh, vàng, (bị tháo vỏ nên không biết là thuốc gì)… và buộc chị V. thanh toán 150.000 đồng.

Nhiều “cò” trà trộn vào nhóm xe ôm trước Bệnh viện Da liễu để “săn” bệnh nhân.
Được một người dân đi xe ôm tốt bụng chỉ dẫn, chị V. đem thuốc đến Bệnh viện Da liễu kiểm tra thì nơi đây cho biết là chỉ có một tuýp thuốc bôi chữa viêm da, còn lại là thuốc bổ và vitamin E giá chưa đến 30.000 đồng.
Còn em T.T.L, sinh viên năm thứ 2 khoa ngữ văn, đi xe đạp đến Bệnh viện Da liễu nhưng vừa rẽ từ đường Hồ Xuân Hương vào đường Nguyễn Thông thì bị đám “cò” bám theo bảo: “Vào bệnh viện kê khai rất nhiều loại giấy tờ và phải có giấy giới thiệu mới được giải quyết khám”. Rồi nhóm này giới thiệu đến phòng khám ở đường Bà Huyện Thanh Quan. Nơi đây, khám và tính 250.000 đồng cho L., kèm một số thuốc đã tháo nhãn cho vào bọc nilon.
Chị N.T.H. - công nhân xí nghiệp giày, nhà ở đường Tô Hiến Thành quận 10 - cũng bị dụ dỗ đến phòng khám, bị chích một mũi thuốc, đưa một số thuốc uống và mất 400 ngàn đồng trả cho phòng khám. Sau khi biết bị lừa, chị H. đến Bệnh viện Da liễu khám, được cho toa mua thuốc chữa trị tổng cộng hết chưa đến 50.000 đồng. Đã có nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa phải lặn lội lên thành phố, quá khổ vì bệnh nặng lại gặp phải “cò mồi” bệnh viện nên tiền mất mà bệnh lại nặng thêm...
Nhận diện đường dây cò mồi
Sau nhiều ngày lân la ở quán cà phê ngay góc Ngô Thời Nhiệm - Nguyễn Thông, chúng tôi phát hiện cứ sáng sớm tại cổng chính của Bệnh viện Da liễu, số 2 Nguyễn Thông phường 6 quận 3, có từ 15-20 “cò” đóng vai người chạy xe ôm đứng tụ tập lôi kéo bệnh nhân.
Cứ khách đến khám thì bảo bệnh viện chưa đến giờ làm việc, hoặc đông quá hết nhận bệnh nhân sau đó chỉ người dân đến các phòng khám của tư nhân quanh khu vực. Ở những trạm xe buýt cũng có lực lượng “cò” đón lõng, những bệnh nhân nào xuống xe tại đây hỏi Bệnh viện Da liễu sẽ được cò dụ dỗ đưa ngay đến các phòng mạch tư.
Nhóm “cò” hoạt động có tổ chức do 3 tay đàn anh, trong đó có tên K., vừa mới ở tù về, quản lý nên không có chuyện giành giựt bệnh nhân mà có sự bọc lót cho nhau từ dụ dỗ đến hù dọa để mục đích cuối cùng là đưa được bệnh nhân đến phòng khám tư nhân… Các phòng khám tư nhân này nhìn bề ngoài gần như không liên quan gì với nhau nhưng thực chất có “dây mơ rễ má”.
Các phòng khám do một nhóm người đứng ra lập nên rồi thuê bác sĩ để trả lương và đặt hàng với “trùm” đường dây “cò” để đưa bệnh nhân đến. Cứ mỗi bệnh nhân được giới thiệu đến, phòng khám sẽ trả từ 50 đến 70.000 đồng cho “trùm cò” để chia lại cho các “cò” trong đường dây. Trung bình, hàng ngày đường dây “cò” này môi giới được từ 200 đến 300 bệnh nhân mà chúng đã dụ dỗ được từ khắp mọi nơi quanh Bệnh viện Da liễu đưa về.
Cơ quan quản lý còn đùn đẩy trách nhiệm?

Những bọc thuốc của các phòng khám tư nhân bán cho bệnh nhân với giá cắt cổ.
Bệnh viện Da liễu TP cho biết bệnh viện đã có những biện pháp nhằm hạn chế “cò” như: phát những tờ hướng dẫn đầy đủ thông tin về công tác khám và điều trị của bệnh viện cho bệnh nhân, gắn bảng hướng dẫn ghi rõ ngày, giờ khám bệnh (trong giờ, ngoài giờ từ thứ hai đến thứ bảy kể cả sáng chủ nhật mà không cần giấy giới thiệu).
Hiện bệnh viện có loa phóng thanh trước cổng, phát liên tục trong giờ làm việc để nhắc nhở thông tin cho người đến khám được biết. Bác sĩ Vũ Hồng Thái, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện thường xuyên nhắc nhở bác sĩ, công nhân viên chức bệnh viện về tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân.
Qua thẩm tra nội bộ bệnh viện, chưa phát hiện hiện tượng bác sĩ bệnh viện móc nối với xe ôm hay “cò” trước cổng. Còn “cò” và các phòng khám tư nhân bên ngoài bệnh viện thì bệnh viện không có quyền hạn để xử lý.
Được biết, trước đây UBND quận 3 có công văn (số 838/UB ngày 15-4-2004) đề nghị Công an phường 6 tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực Bệnh viện Da liễu và theo Trung tá Trần Song Nam, Trưởng Công an phường 6, đơn vị đã bắt và xử phạt hành chính 5 “cò” hoạt động ở khu vực Bệnh viện Da liễu trong thời gian qua.
Sắp tới, địa phương sẽ thành lập tổ xe ôm tự quản có trang bị đồng phục nhằm dễ phát hiện “cò” trà trộn vào nhóm này. Tuy nhiên, hiện nay “cò” hoạt động khá tinh vi, không dùng danh thiếp để đưa cho bệnh nhân mà viết trên bao thuốc lá, trên tay bệnh nhân để giới thiệu địa chỉ phòng khám. Vì thế, để có chứng cớ xử lý là việc không phải dễ. Bên cạnh đó, nhóm “cò” rất hung hăng, đã có một số người bị bọn “cò” tấn công.
Ông Đặng Quang Thướng, Đội trưởng đội bảo vệ Bệnh viện Da liễu cho biết mới đây, 2 nhân viên bảo vệ tên Hoàng Đình Côi, Huỳnh Ngọc Hưng cũng nhờ công an phường 6 can thiệp giúp vì bị nhóm “cò” hăm dọa chém chết nếu cản trở việc làm ăn của chúng.
Theo ông Nam, nhiều năm qua chưa giải quyết triệt để tình trạng “cò” trước cổng bệnh viện là do chỉ mới sử dụng biện pháp đuổi bắt “cò” còn các phòng khám tư thì chưa ai đụng đến. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu các phòng khám không có bác sĩ chuyên khoa Da liễu, khám và bán thuốc không đúng quy định của ngành, bán giá cắt cổ…
Sở Y tế hoàn toàn có thể xử lý nghiêm, rút giấy phép hoạt động, như thế, đường dây “cò” cũng không còn đất sống. Thế nhưng, mặc dù có nhiều kiến nghị, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo… nhưng những phòng khám bệnh kiểu này vẫn nhởn nhơ hoạt động. Cơ quan quản lý nhà nước là Sở Y tế TP trả lời sao về vấn đề này?
TRẦN THANH - CAO TRƯƠNG