Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội

Có nên bổ sung hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm?

Hôm qua 21-8, trong phiên thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đã lên tiếng đề nghị bổ sung hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Chưa thống nhất quan điểm về bỏ phiếu tín nhiệm

Mặc dù vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được Quốc hội thảo luận khá kỹ ở kỳ họp thứ 9, nên đến dự thảo lần này, hầu như không có sự điều chỉnh nào. Sửa đổi duy nhất đặt ra lần này là thu hẹp đối tượng mà Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, vì Ban soạn thảo cho rằng quy định hiện nay là quá rộng.

Đối với quy định mà nhiều đại biểu cho rằng là nguyên nhân khiến luật bất khả thi: “Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi có ít nhất 20% đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị”, Ban soạn thảo cho rằng đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nên vẫn giữ nguyên như luật hiện hành.

Đi tìm một ý tưởng mới, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng để quy định này đi vào cuộc sống, nên chia thành 2 hình thức: bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; bỏ phiếu bất tín nhiệm khi người giữ chức vụ có “vấn đề”, khiến dư luận không đồng tình. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm được Quốc hội thực hiện khi có 10% ĐBQH đề nghị.

Đại biểu Hoàng Văn Xim (Hà Tây) cũng đồng tình, không nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ, mà cần bổ sung phương thức bỏ phiếu bất tín nhiệm: “Trên thế giới, nhiều nước cũng làm như vậy”.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Tào Hữu Phùng lại có quan điểm khác. Ông đề nghị, khi người giữ chức vụ có “vấn đề” thì UBTVQH phát phiếu thăm dò. Nếu trên 50% ĐBQH đồng ý thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. “Theo tôi không nên bỏ phiếu bất tín nhiệm, vì hình thức này không được quy định trong Hiến pháp” - ông Phùng lưu ý. Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) đề xuất phương án “cộng dồn”, nghĩa là tổng hợp đề nghị của ĐBQH từ đầu đến cuối khóa, nếu đủ 20% ĐBQH kiến nghị thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Chỉ thành lập thêm 2 ủy ban

Qua thảo luận, đa số ĐBQH đều tán thành việc thành lập mới Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính trên cơ sở chia tách Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH hiện nay. Một số ý kiến khác đề nghị xem xét thêm việc chia tách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban về Các vấn đề xã hội; và thành lập mới Ủy ban Dân nguyện hoặc cơ quan Thanh tra Quốc hội.

Theo giải trình UBTVQH, việc chia tách 2 ủy ban về pháp luật và kinh tế là vấn đề đã được tính đến từ lâu, do đây là 2 ủy ban có lĩnh vực hoạt động quá rộng, khối lượng công việc phải đảm nhiệm nhiều. Đối với các ủy ban khác, tuy phạm vi hoạt động có rộng, nhưng về cơ bản vẫn đảm đương được nhiệm vụ, chưa thấy đặt ra nhu cầu bức xúc về chia tách.

Đối với thành lập Ủy ban Dân nguyện, việc xác định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn là “chưa rõ và rất khó”, dễ trùng lặp. Trong khi Thanh tra Quốc hội lại là vấn đề mới, cần nghiên cứu kỹ, chưa nên đặt ra vào lúc này. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thành Lập tỏ ra chưa hài lòng. Ông cho rằng, việc xem xét chia tách thêm các ủy ban khác là cần thiết, để bảo đảm hoạt động của Quốc hội khóa sau có chất lượng tốt hơn. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng đây là dịp nên xem xét sửa đổi một cách toàn diện Luật Tổ chức Quốc hội. 

* Thu hẹp đối tượng Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm

Thay vì quy định chung là bỏ phiếu tín nhiệm “những người giữ chức vụ do Quốc bầu và phê chuẩn”, dự thảo lần này sửa đổi theo hướng cụ thể hơn: “UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên khác của UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước”.

BẢO MINH
 

Tin cùng chuyên mục