
Hôm qua 23-2, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã xem xét cho ý kiến vào dự án Luật Quản lý thuế, dự án Luật Dạy nghề; vấn đề phát hành và sử dụng trái phiếu chính phủ năm 2006 và từ nay đến năm 2010.
- Giao quyền điều tra, trách nhiệm phải chặt chẽ
Vấn đề được quan tâm nhất trong dự án Luật Quản lý thuế lần này là việc cho phép cơ quan quản lý thuế được áp dụng các biện pháp điều tra hành chính để phát hiện và truy thu kịp thời tiền thuế trốn, tiền thuế bị chiếm đoạt vào ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hiện nay tình trạng trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt tiền thuế đang ngày càng tinh vi. “Các vi phạm này sẽ gia tăng nếu cơ quan thuế không được áp dụng các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn” – Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự luật quy định thẩm quyền điều tra của cơ quan thuế quá lớn. Trong đó có việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin, tài liệu; tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện, khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật… Nhiều quy định có liên quan đến quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp, nhất là khám nhà, khám người.
Vì vậy, cần cân nhắc có nên giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế không, hay cơ quan thuế chỉ nên tập trung làm tốt chức năng kiểm tra, thanh tra thuế. Thay mặt Thường trực Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của QH thẩm tra dự luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng lại ủng hộ việc cho phép cơ quan thuế được áp dụng các biện pháp điều tra, nhưng ông lưu ý, cần phải quy định cụ thể về đối tượng, thẩm quyền, nội dung, phạm vi, thời hạn điều tra. Đồng thời phân biệt rõ quan hệ và ranh giới giữa điều tra của cơ quan thuế với điều tra của các cơ quan tố tụng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng yêu cầu: ‘’Trao quyền điều tra cho cơ quan thuế phải quy định trách nhiệm hết sức chặt chẽ, tránh lợi dụng gây phiền hà hay móc ngoặc với người vi phạm. Tiêu cực từ Thanh tra Chính phủ thời gian qua là một bài học’’.
- Sẽ có đại lý thuế
Một điểm hoàn toàn mới trong dự án Luật Quản lý thuế là quy định về đại lý thuế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, đại lý thuế là tổ chức kinh doanh có ngành nghề tư vấn pháp luật, có thể thay mặt người nộp thuế thực hiện các thủ tục như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế. Cùng với đó là sự ra đời của đại lý hải quan, thực hiện các công việc của đại lý thuế khi làm thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thường trực Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của QH cho rằng, dự luật đưa ra quy định về đại lý thuế là cần thiết, giúp cho người nộp thuế dễ dàng thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với nhà nước. Tuy nhiên, dự luật cần quy định cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của đại lý thuế đối với người nộp thuế, cơ quan thuế. Đồng thời, phải xác định đại lý thuế là doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thuế có điều kiện, được thu phí và đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Kết luận phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề nghị: dự án Luật Quản lý thuế phải được xây dựng cụ thể, người dân nhìn vào luật là có thể thực hiện, tránh tình trạng luật khung. Muốn vậy, công tác tổng kết thực tiễn phải rất sâu sắc, tránh tình trạng “góp nhặt” đơn thuần những quy định đã có để đưa vào luật. Quá trình tổng kết thực tiễn phải chú ý nhiều tới những tồn tại, yếu kém. “Muốn sửa khuyết điểm, phải vạch rõ yếu kém” – Chủ tịch Nguyễn Văn An nhấn mạnh
BẢO MINH