Nghị định về chống rửa tiền

Có thực sự đáng lo ngại?

Có thực sự đáng lo ngại?

Nghị định 74/CP của Chính phủ về chống rửa tiền vừa được ban hành, và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2005 tới đây, đang gây lo lắng cho giới kinh doanh ngân hàng cũng như người dân. Theo nghị định, tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo những khoản giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm). Theo một số ngân hàng thương mại, việc cơ quan chức năng giám sát và báo cáo giao dịch “đáng ngờ” qua ngân hàng làm cho người dân và doanh nghiệp có thu nhập chân chính lo ngại, thậm chí không muốn quan hệ với ngân hàng vì có cảm giác tài sản của mình luôn bị theo dõi.

Phía Ngân hàng Nhà nước - cơ quan dự thảo Nghị định 74/CP có phản ứng thế nào trước những đánh giá trên. Phóng viên SGGP đã đặt vấn đề này với Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy. Ông Thúy khẳng định:

- Việc ban hành Nghị định về chống rửa tiền là cần thiết. Luật pháp nước ta đã quy định về tội phạm tương tự, hoặc bản chất là tội phạm rửa tiền, nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Nếu không cụ thể hóa các điều luật này sẽ không thực thi được luật, dẫn đến vi phạm các quyền chính đáng của công dân.

Thứ hai, mặc dù chúng ta chưa quy định tội rửa tiền, nhưng thực tế trong xã hội chúng ta đã xuất hiện loại tội phạm này. Thứ ba là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế... đều đòi hỏi Việt Nam phải có luật pháp về chống rửa tiền. Nếu không có thì Việt Nam không đạt được những điều kiện cần thiết để nhận các khoản tài trợ.

Hiện nay, mặc dù Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có hiệu lực, nhưng ngân hàng Việt Nam vẫn không mở được văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Hoa Kỳ. Một trong những lý do được đưa ra là Việt Nam chưa có pháp luật về chống rửa tiền.

- P.V: Thống đốc vừa nói thực tế trong xã hội chúng ta đã xuất hiện loại tội phạm rửa tiền?

Có thực sự đáng lo ngại? ảnh 1

Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy

- Thống đốc LÊ ĐỨC THÚY: Tôi đã từng phải trực tiếp xử lý một vài vụ. Năm 1998, một nhân vật người Đức đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin mở một tài khoản và nói rằng nếu cho mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau một tuần sẽ chuyển vào 100 triệu USD để cho vay trong 30 năm, với lãi suất ưu đãi 2%/năm.

Không ít cán bộ trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lúc đó, kể cả lãnh đạo, cũng đã phấn khởi theo đuổi việc này. Nhưng sau khi thận trọng xem xét, tìm hiểu, chúng tôi mới biết được đây là hành vi lợi dụng việc được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước để lừa đảo.

Tôi cũng đã từng tiếp một số nhân vật vào Việt Nam, được cả người làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật giới thiệu, nói rằng nếu ký kết hợp đồng tín dụng, họ sẽ cho vay 20 tỷ USD trong 20 năm, lãi suất ưu đãi, sau 10 năm sẽ xóa luôn khoản nợ, chỉ với điều kiện là có 5% “lại quả”. Và các tổ chức tín dụng của ta cũng nhận được nhiều giấy tờ về tín dụng thư, nếu ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán thì sẽ được hưởng một khoản phí rất hấp dẫn. Đó là những hành vi lừa đảo có thể diễn ra ở Việt Nam dưới hành vi tội phạm rửa tiền.

- Đúng là việc ban hành khung pháp lý về chống rửa tiền là cần thiết, nhưng những quy định của Nghị định 78 lại đang gây lo lắng cho doanh nghiệp, người dân và cả giới ngân hàng?

- Mục tiêu của việc ban hành Nghị định về chống rửa tiền là để chống tội phạm về rửa tiền, không phải là để gây khó khăn cho doanh nghiệp hay dân cư làm ăn lương thiện. Cũng như quy định về đội mũ bảo hiểm, mặc dù nhằm mục đích bảo vệ lợi ích trực tiếp của người dân, nhưng lại rất khóù đi vào cuộc sống. Cho nên, có tâm lý e ngại, băn khoăn về quy định chống rửa tiền là điều dễ hiểu. Có tờ báo đăng tít rất to về nghị định chống rửa tiền, rằng người dân xôn xao vì sợ bị “ghi sổ”.

Cần phải hiểu rằng, mọi giao dịch ở ngân hàng, đương nhiên đều bị “ghi sổ” cả, dù là 1 đồng. Bởi đây là cách lưu lại chứng cứ về giao dịch. Nếu như không có nghị định chống rửa tiền, cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng vẫn có quyền đến các ngân hàng yêu cầu trình sổ sách để kiểm tra. Với nghị định chống rửa tiền, thay vì làm như hiện nay, có một quy định minh bạch là chỉ có loại giao dịch nào mới tách riêng ra, và tổ chức tín dụng sẽ làm việc phân loại ấy, phục vụ cho công tác chống tội phạm.

Có thực sự đáng lo ngại? ảnh 2

Nhân viên ngân hàng đang kiểm tiền.

- Nhưng thưa Thống đốc, nhiều người băn khoăn, với quy định như vậy, bí mật tiền gửi ở ngân hàng sẽ không được tôn trọng?

- Điều đó là không đúng. Toàn bộ thông tin về giao dịch vẫn nằm trong ngân hàng nơi giao dịch và cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Không có một cơ quan thứ 3 nào được quyền đến đó, nếu ngân hàng không báo cáo rằng thấy một vài trường hợp có nghi vấn. Cho nên bí mật tiền gửi vẫn được bảo đảm. Hơn nữa, trong nghị định không hề yêu cầu phải báo cáo về số dư tài khoản.

- Nhưng về mặt tâm lý, việc cơ quan chức năng giám sát và báo cáo giao dịch “đáng ngờ” qua ngân hàng làm cho người dân và doanh nghiệp chân chính lo ngại vì có cảm giác tài sản của mình luôn bị theo dõi?

- Đó là điều mà những người soạn thảo nghị định rất quan tâm. Nhưng do yêu cầu chống tội phạm, do yêu cầu hội nhập,... tôi mong rằng báo chí sẽ góp phần làm cho công chúng chia sẻ với Chính phủ, chia sẻ với đất nước về một việc tất yếu phải làm. Đừng nên đưa thông tin để công chúng hoang mang. Vừa qua đã có hiện tượng một số người không hiểu rõ, đã đến ngân hàng rút tiền. Tuy không trở thành một trào lưu, nhưng nếu tuyên truyền không khéo sẽ gây nên những hoảng loạn không cần thiết. Và điều đó có thể dẫn đến sự đổ vỡ của cả hệ thống ngân hàng.

- Nhưng nếu điều không muốn này xảy ra thì Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào để ứng phó?

- Tình huống người dân hoang mang, ồ ạt đi rút tiền đã được Ngân hàng Nhà nước tính đến. Chúng tôi đã chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng can thiệp, ứng cứu, để bảo đảm khả năng thanh toán cho tổ chức tín dụng nào không may bị rơi vào tình trạng đó và giữ cho an toàn hệ thống. Chúng tôi đã có kinh nghiệm xử lý qua vụ Ngân hàng TMCP Á Châu bị tin đồn thất thiệt. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ không có tình huống xấu như vậy.

Có thực sự đáng lo ngại? ảnh 3

Ở bất kỳ ngân hàng nào, tài khoản giao dịch của khách hàng luôn được bảo đảm.

- Theo nghị định, tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt), hoặc 500 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm). Nhiều người cho rằng, mức tiền quy định như vậy là thấp đối với một nền kinh tế tiền mặt như ở Việt Nam?

- Với một giao dịch 200 triệu đồng bằng tiền mặt, tức khoảng 13.000 - 14.000 USD, khi xây dựng nghị định, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, tranh luận nhiều về vấn đề này và thấy rằng ngay cả những nước có nền kinh tế tiền mặt gần như Việt Nam, quy định của họ tối đa chỉ là 10.000 USD. Còn giao dịch tiền gửi tiết kiệm của Việt Nam là 500 triệu đồng, tức là trên 33.000 USD, thì họ cũng ở mức thấp hơn.

Vậy liệu có thể quy định mức lớn hơn không? Có một vướng mắc, là nếu quy định rộng quá, việc chống rửa tiền sẽ mất tác dụng. Kẻ phạm tội có thể lợi dụng kẽ hở để rửa tiền.

Hơn nữa, các tổ chức quốc tế không đồng tình với mức quy định, ngay cả như mức mà Nghị định 78 đưa ra. Bởi theo họ, với mặt bằng giá cả, thu nhập ở Việt Nam, quy định như vậy là quá lớn. Nếu quy định quá rộng, họ sẽ cho rằng Việt Nam không thực sự muốn chống rửa tiền, không muốn hợp tác chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố.

- Xin cảm ơn Thống đốc.

BẢO MINH
 

Tin cùng chuyên mục