Còn đâu “nghĩa tử là nghĩa tận”?

Nhận được tin cha mất, ông Tư ở tận miền Nam xa xôi, gia cảnh rất khó khăn, làm nghề nông lại đang lo cho ba người con học đại học, nhưng tình phụ tử cứ thôi thúc ông phải về nhìn mặt người cha lần cuối. Ngồi xe đò hai ngày một đêm mới về đến quê. Đôi mắt ông thâm quầng, sưng húp vì mất ngủ và khóc. Đám tang được giữ lại hai ngày để chờ đợi con cháu ở xa về. Trong hai ngày ấy cũng là lúc bà con, dòng họ lối xóm đến chia buồn. Ma chay bây giờ cũng có những “luật” riêng. Luật bất thành văn, bây giờ chẳng ai còn đi viếng lễ vật nữa mà hầu hết đều bỏ phong bì kín cho gọn nhẹ, lại thiết thực.

Nhà ông Ba có tám người con, bảy trai, một gái. Khi ông còn sống cả làng ai cũng bảo ông có phúc, đông con nhiều cháu thế nên khi ông nhắm mắt xuôi tay theo ông bà về nơi chín suối thì mọi việc cũng được các con ông, mỗi người một tay chu toàn khiến không ít người phải ganh tỵ. Đám ma ông cũng thuộc diện lớn nhất nhì làng. Các nghi lễ từ cổ truyền cho đến hiện đại đều được làm, vì theo quan niệm người con trai cả là để khi ông cụ ra đi không tủi thân. Lo cho ông cụ xong, không khí đau buồn còn bao trùm cả gia đình nhưng các con ông cũng không thể quên một thủ tục quan trọng nữa là công khai kiểm thùng tiền phúng điếu, cũng như phát biểu của người con cả là để người sống còn biết sau này lo trả lễ bà con.

Tám người con ngồi lại mở thùng thư, sau hơn một tiếng đồng hồ, đống bao thư viếng đã được phân chia rõ ràng. Lúc đầu người con thứ tư không hiểu vì sao lại phải chia như vậy và làm sao có thể chia chính xác? Thì ra, để bao thư viếng đi được vào thùng thư cũng là cả một quá trình. Khi người đến viếng, ngoài cổng để sẵn một quyển sổ, khách của người con nào thì ghi cụ thể vào sổ để tiện theo dõi và quan trọng là viếng bao nhiêu tiền. Cho nên đến khi kiểm thùng thư cũng không khó khăn gì. Đến lượt con cả công bố hoạch toán chi phí cho đám tang của ông cụ cả thảy hết 30 triệu đồng, vốn của cụ để lại lo cho hậu sự của mình 20 triệu đồng, còn lại 10 triệu đồng chia đều cho 7 anh em trai; cô con gái út lấy chồng rồi là con của người ta nên miễn trách nhiệm. Thế là, 6 người con ôm 6 đống phong bì về tự kiểm, tự ghi chú để sau này lo trả lễ. Tội nghiệp người con trai thứ tư xa quê đi lập nghiệp đã lâu, trở về lo hậu sự cho bố không có bạn bè nào chia sẻ nỗi buồn với mình lúc này, anh càng tủi thân.

Bây giờ thì tôi mới hiểu hết tại sao người già ở quê lại thường thắt lưng, buộc bụng, trăn trở, lo lắng để dành tiền lo hậu sự cho mình để khỏi phiền đến con cháu. Sau những ngày chứng kiến cảnh phân chia trách nhiệm quá “minh bạch” của gia đình, ông Tư buồn và càng thương cha hơn. Tuy xa quê rất lâu ít có dịp về thăm gia đình, thế nhưng ông Tư vẫn quyết định vào Nam sớm hơn dự định, vì ở lại ông càng cảm thấy lòng mình đau hơn. Sau cái chết của cha, ông tự hỏi, phong tục viếng tang như thế này thì cúng người chết hay cúng người sống?

Ma chay là chuyện thể hiện tình nghĩa giữa người còn sống với người đã khuất. Nếu chúng ta cứ theo chiều hướng “thương mại hóa” ma chay như thế này thì liệu những phong tục tập quán của ông bà xưa kia có còn ý nghĩa?

Nam Phương – Q3 TPHCM

Tin cùng chuyên mục