
Ngày 26-10, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện yêu cầu bộ ngành, địa phương liên quan tiếp tục chỉ đạo, làm tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, vùng trũng thấp có khả năng bị ngập sâu; chuẩn bị đủ lương thực, cơ số thuốc cần thiết, nhất là đối với vùng ngập sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt do mưa lũ…

Tính đến 17 giờ chiều 26-10, trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có 25 người chết và mất tích do mưa lũ. Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Trung bộ cho biết, do tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp nên trong đêm 26 rạng sáng 27-10, lũ các sông từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có khả năng tiếp tục lên.
Đến 17 giờ ngày 26-10, tỉnh Khánh Hòa có 2 trường hợp chết do nước lũ cuốn trôi tại xã Vạn Phú 2 (Vạn Ninh) và xã Ninh Bình (Ninh Hòa). Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 90 ngôi nhà sập và tụt vách; Gần 13.000m3 đất đá đường giao thông và công trình thủy lợi bị sạt lở.
Ở Phú Yên, ngoài 2 người thiệt mạng do lũ cuốn; trong đợt mưa kéo dài từ ngày 19-10 đến nay, huyện Sông Cầu là địa phương thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Sông Cầu có 137,3 ha lúa mất trắng, 104,5 ha rau màu, 100% ao đìa nuôi cá mú cùng vùng muối nổi tiếng Tuyết Diêm không còn khả năng thu hoạch. Tại Km 1281 + 400 Quốc lộ 1A đi qua thị trấn Sông Cầu, hàng ngàn m3 đất đá từ triền núi sạt lở gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền trong ngày 26-10.
Tại Bình Định, toàn bộ vùng hạ lưu các sông Kôn, Hà Thanh, La Tinh, vùng thượng lưu sông Lại Giang vẫn còn chìm trong biển nước. Cho đến chiều 26-10, nhiều trường ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn vẫn chưa thể hoạt động. Trước mắt, các huyện ở Bình Định trích ngân sách hỗ trợ cho các gia đình có người chết từ 1 đến 2 triệu đồng; các nạn nhân bị thương từ 500.000 đến 1 triệu đồng; hỗ trợ 1 nhà bị sập 3 triệu đồng; các gia đình gặp khó khăn 10 kg gạo/nhân khẩu.
Tại Quảng Ngãi, lũ lớn đã làm 14 xã dọc hai bên bờ sông Vệ, Trà Khúc bị ngập. Ở Quảng Nam, chiều tối 26-10, mực nước tại các sông vẫn xấp xỉ mức báo động 3. Quảng Nam đã có 4 người chết và 1 người bị mất tích; trong đó có 2 công nhân thuộc Công ty Sông Đà 2 (đang thi công đường dây D2-110kV Đại Lộc – Thành Mỹ).
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng phối hợp với dự án UNDP - VIE97/002 (Dự án Hỗ trợ hệ thống quản lý thiên tai tại Việt Nam) phát miễn phí 700 chiếc radio, 3.000 bản đồ để theo dõi các cơn bão trên biển Đông cho ngư dân trong thành phố. Đồng thời, phân bổ 850 áo phao cứu sinh, 30 nhà bạt cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão các quận, huyện để cấp phát cho ngư dân.
Ngày 26-10, mực nước lũ đầu nguồn đo được tại Châu Đốc là 3,37m; tại Tân Châu là 3,64m. Hiện tại, nước lũ đầu nguồn đang xuống, chảy mạnh về các tỉnh cuối nguồn kéo theo sạt lở trên diện rộng dọc sông Tiền, sông Hậu. Tại Đồng Tháp, có 42 xã bị sạt lở, gần 15 ha đất bị cuốn trôi. An Giang từ đầu năm đến nay sạt lở làm mất trên 74.000m2 đất… Dự báo, những ngày tới nước lũ rút mạnh, tình hình sạt lở còn nghiêm trọng hơn. Đến chiều 26-10, chỉ riêng 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An đã có đến 57 người chết đuối.
Nhóm PV